Lên tiếng thôi chưa đủ!

23/04/2018 - 10:15

PNO - 12 năm trước, nhà hoạt động xã hội Tarana Burke lần đầu sử dụng cụm từ “me too” (tôi cũng vậy) trên mạng xã hội Myspace trong nỗ lực chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ những phụ nữ từng bị quấy rối, tấn công tình dục.

Thế nhưng mãi đến 11 năm sau - cuối năm 2017 thì “me too” mới thực sự bùng nổ khi hàng loạt nữ nghệ sĩ trên khắp thế giới sử dụng hashtag #metoo và lên tiếng tố cáo những kẻ từng quấy rối, tấn công mình.

Len tieng thoi chua du!
 


Nhiều cái tên thuộc hàng “đạo cao đức trọng”, những cái tên mà quyền lực lẫn danh vọng ngỡ như không thể chạm đến đã bị lôi ra ánh sáng, phơi bày những sự thật trần trụi, bao thủ đoạn tàn độc đã bị đồng tiền và thế lực che giấu, vùi dập trong suốt nhiều năm.

#metoo không chỉ là phong trào dành riêng cho nữ giới bởi trong thực tế, đã có nhiều chàng trai sử dụng #metoo để kể câu chuyện của mình với ước mong đưa kẻ thủ ác ra trước công lý. Những người đàn ông cũng được kêu gọi sử dụng #metoo để thể hiện thái độ của mình trước vấn nạn toàn cầu này.

Chỉ trong vài tháng cuối năm 2017, đầu 2018, phong trào phá vỡ sự im lặng - chống nạn bạo hành, quấy rối, xâm hại tình dục lẫn những yêu cầu về nữ quyền đã nhận được sự tiếp sức của nhiều người, dưới nhiều dạng thức khác nhau. Những bông hồng trắng xuất hiện tại lễ trao giải Grammy.

Thảm đỏ lễ trao giải Quả cầu vàng tràn ngập một màu đen - trang phục của những nghệ sĩ đến dự. Hashtag #metoo tràn khắp mạng xã hội và không chỉ trong phạm vi của các nữ nghệ sĩ hoặc những người hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí. Giờ đây, cả những người bình thường, giới báo chí, công nhân, sinh viên, thậm chí các nữ quân nhân… cũng đã dùng #metoo và kể lại câu chuyện của mình.

Tuy nhiên, chẳng có điều gì dễ dàng. Đã có những người dũng cảm lên tiếng và bị ngăn chặn mà điển hình năm nhà hoạt động xã hội ở Trung Quốc vào năm 2005. Giữa ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, họ đã kêu gọi mọi người đứng lên tố giác các hành vi quấy rối tình dục. Lời kêu gọi của họ nhanh chóng tắt lịm cho đến gần đây, khi cựu sinh viên Luo Xixi của Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh tố cáo thầy Chen Xiaowu từng cưỡng hiếp cô nhưng bất thành. Chen Xiaowu bị đuổi việc. Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc bắt đầu lên tiếng.

Tại Hàn Quốc - nơi mà những vụ quấy rối, gạ tình, cưỡng bức vẫn thường xuyên xảy ra (và đã đẩy một số nữ nghệ sĩ đến quyết định quyên sinh), các nạn nhân cũng đã đứng lên tố cáo những kẻ từng hãm hại mình và thậm chí đã tổ chức cả một quộc biểu tình tại Seoul hôm 23/3 với hashtag #metoo. Kể cả tại quốc gia vốn vẫn được xem là khép kín như Nhật Bản, phụ nữ cũng không giữ im lặng nữa.

Len tieng thoi chua du!
Ảnh minh họa

Những nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tại Việt Nam (mà chúng ta có thể hình dung được là rất nhiều) đã không biết rằng, đang có một phong trào lớn đến như thế, ở tầm thế giới, dành cho họ, vì họ. Những trẻ em gái bị xâm hại tại Việt Nam vẫn đang câm lặng, từng ngày rên xiết với nỗi đau mà ai cũng biết là sẽ đeo bám các em suốt đời. Nhiều em khác lên tiếng để nhận lại những hoài nghi, dè bỉu. Mà đâu chỉ trẻ em gái. Ngay cả những phụ nữ đã trưởng thành cũng phải cắn răng chịu đựng vết thương từ quá khứ hoặc đang phải sống chung với quấy rối mỗi ngày nơi công sở, trường học, tòa soạn và ở bất cứ nơi nào đám yêu râu xanh thấy rằng vị trí và tài chính của mình có thể khống chế được con mồi.

Mạng xã hội Việt Nam những ngày qua cũng không đứng ngoài phong trào “me too” khi hashtag #metoo bắt đầu xuất hiện như một sự động viên, ủng hộ dành cho các nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục. Điều đáng chú ý là trong những hashtag ấy lại không có câu chuyện của mình hoặc một nạn nhân cụ thể mà chỉ là chuyện của “bạn tôi”, bị một “ai đó” xâm hại.

Chúng ta còn thiếu một thứ cực kỳ quan trọng mà thế giới đã lưu ý: cơ chế trợ giúp đặc biệt cho các nạn nhân. Ngay ngày đầu năm mới 2018, các nghệ sĩ tại Hollywood đã khởi động một phong trào khác song hành cùng #metoo. Time’s up (đã đến lúc) đã được lập ra với mục tiêu rõ rệt là trợ giúp sức khỏe, tinh thần, đặc biệt là pháp lý cho các nạn nhân.

20 triệu USD đã được góp vào quỹ của Time’s up và hơn 200 luật sư đã tình nguyện tham gia phong trào chỉ trong thời gian ngắn cho thấy quyết tâm của thế giới đối với vấn nạn quấy rối và xâm hại. Nhìn lại chúng ta, nhiều nạn nhân vẫn bị đổ lỗi vì “ăn mặc hở hang”, bị nghi ngờ chủ động gạ tình, thậm chí bị xem là kẻ trắc nết.

Hàng loạt vụ xâm hại bị chìm xuồng vì sự chậm trễ, tắc trách của cơ quan chức năng.
Nếu chúng ta, những người Việt Nam vẫn chưa ý thức được quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người khác (đặc biệt là phụ nữ), chưa xem quấy rối, xâm hại là chuyện của mình và vẫn thờ ơ, thậm chí xúc phạm nạn nhân… thì #metoo hay #timesup sẽ chỉ mãi là chuyện ở đâu đâu và chúng ta sẽ mãi chìm trong tăm tối. 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI