Làng xứ Quảng trong trang viết của người xứ Quảng

29/01/2022 - 15:07

PNO - "Làng xứ Quảng" (Nhà xuất bản Trẻ) của nhà văn - nhà báo Trương Điện Thắng kể về làng Thanh Quýt (xưa thuộc phủ Điện Bàn, nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tác phẩm là sự kết hợp giữa công trình nghiên cứu văn hóa lẫn hồi ức, tản văn được thể hiện tương ứng trong ba phần: Làng Quảng, Nhật ký ở làng Không gian sống ở làng. Từ một ngôi làng mà nhìn thấy lịch sử trăm năm của một vùng đất, gọi tên những danh tướng kỳ tài, giải mã những “bí ẩn” của di tích, kể những câu chuyện từ đình chùa đến thành hoàng làng… - đó có thể xem là nét riêng tài tình của một ngòi bút đau đáu tìm lại hồn làng xứ Quảng. 

Ở làng Thanh Quýt từng có một cuộc khai quật khảo cổ liên quan đến di tích Chăm vào năm 1993, nơi người dân đã phát hiện ra “10 chiếc vò chôn úp, xếp thành hàng, bên trong có tro than, cát…” và “dưới tầng sâu khoảng 70cm là các vật dụng gốm văn hóa Sa Huỳnh”. Cuộc khai quật khảo cổ đã phát hiện bằng chứng rằng Thanh Quýt có nhiều di chỉ mang dấu vết của văn hóa Chăm Pa, gồm cả di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng.

Di tích Chăm ở Thanh Quýt là một trong những bài viết rất thu hút của tác phẩm. Những ngôi miếu, miễu, cây đa, biểu tượng linga và yoni… đưa người đọc theo về với hồn đất cũ. Rồi câu chuyện về các vị tiền hiền - những người có công khai phá đất đai, lập làng lập ấp - đã đến nơi này, những bản gia phả chứa đựng dấu vết lịch sử, những lễ hội, những khúc đồng dao…

Nhà văn - nhà báo Trương Điện Thắng cứ thế “dẫn dụ” người đọc bước vào ngôi làng của ông, từ hiện thực lẫn trong tâm tưởng. Cuốn sách 240 trang mà đầy thông tin, tư liệu, kiến thức, ký ức, cảm xúc… Sau cuộc tìm về nguồn cội và văn hóa làng xứ Quảng ấy, còn là những nỗi niềm khi “làng” của thời hiện đại đã “bê-tông” và “nhà ống”, khi khói đốt đồng và ký ức đã trở thành nỗi thương nhớ khôn nguôi. Đọc Làng xứ Quảng, khi tò mò lúc bùi ngùi; khi chìm đắm trong những điều xưa cũ lúc giật mình trước hiện thực - “cái mới” đã phủ bóng hiện đại lên những con đường và những mái nhà mà trên hết là lượng kiến thức dồi dào và những giá trị văn hóa được tác giả cung cấp. 

“Mười hai tuổi tôi đã mất quê. Mất một dòng sông, một gốc đa, một con đường đất… Ở đó, có cả một tuổi thơ đã đi qua trong những buổi ngâm mình dưới bến nước trong xanh, bao lần leo trèo bắt chim, chơi trò u mọi hoặc phơi vàng mái đầu những hôm đi tát cá. Mất hết trơn hết trọi khi súng đạn tràn về. Con chó vàng nhà tôi nghe tiếng bom nổ cũng bỏ đi biệt tích” - trích tác phẩm. Đọc những dòng tâm tình này mới hiểu vì sao những trang viết về làng xưa của Trương Điện Thắng da diết và thương nhớ sâu nặng đến như vậy. Chiến tranh, thời cuộc, những đổi thay đã để người “mất” làng và làng cũng “mất” chính những điều xưa cũ. 

Đọc Làng xứ Quảng, có lẽ không chỉ ngôi làng Thanh Quýt hiện diện trong những trang viết của nhà văn mà còn có những “ngôi làng trong tâm tưởng” để những người con của quê xưa có thể dừng lại đôi chút mà lặn lội về ký ức làng của chính mình… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI