Làm nông thời biến đổi khí hậu

06/10/2022 - 06:15

PNO - Sự thành công của mô hình trồng rau sạch hay mô hình nuôi tôm trên cát ở H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là do người dân biết làm nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau cơn bão số 4 (bão Noru), người dân thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lại ra ruộng vun lại những luống rau xanh mướt. 

Bà Nguyễn Thị Đương (xã Bình Triều, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang chăm sóc ruộng rau cải củ - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Bà Nguyễn Thị Đương (xã Bình Triều, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang chăm sóc ruộng rau cải củ - ẢNH: ĐÌNH DŨNG

Hưng Mỹ là vùng trồng rau theo chuẩn VietGAP của tỉnh Quảng Nam. Bao quanh vùng này là những rặng cây có tác dụng chắn gió vào mùa bão, giữ nước và điều hòa khí hậu vào mùa khô. Hiện nay, thôn Hưng Mỹ có hơn 300 hộ dân trồng rau trên diện tích hơn 60ha, trong đó 10ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ sản xuất rau an toàn, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Ngoài trồng rau, một số hộ còn nuôi cá trê, cá lóc, cho thu nhập tốt.

Ông Trần Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Triều - cho biết: “Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Triều là niềm tự hào của người dân thôn Hưng Mỹ. Đây cũng là một trong những hợp tác xã tiên phong của H.Thăng Bình trong việc giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra. Hợp tác xã đang tiếp tục bổ sung các sản phẩm, sản xuất một số chế phẩm từ rau, củ để cung cấp cho ngư dân, cung cấp giống và hướng dẫn quy trình trồng cho bà con”. 

Ở tỉnh Quảng Nam, mô hình nuôi tôm trên cát tại xã Tam Hòa, H.Núi Thành và xã Bình Minh, H.Thăng Bình

“Việc giữ cân bằng hệ sinh thái ven biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển bền vững nói chung ở vùng ven biển miền Trung.
Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Minh

cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. So với nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng triều, lợi nhuận thu được từ nuôi tôm thẻ trên cát cao hơn nhiều lần. Mô hình nuôi nhông trên cát tại xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ và xã Tam Tiến, H.Núi Thành cũng cho kết quả tích cực. Nhông nuôi khoảng 4-5 tháng là bán được, giá từ 250.000-300.000 đồng/kg. Nếu chăm tốt, một con nhông có thể nặng 0,5 - 0,7kg.

Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh thái học Việt Nam - cho biết, Việt Nam được xếp thứ 13/16 nước có rủi ro cao nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo dự đoán của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH, nếu mực nước biển dâng thêm 0,1m thì 40.000km2 đất trồng trọt ở Việt Nam sẽ bị ngập, sản lượng lương thực sẽ giảm đi một nửa. BĐKH gián tiếp làm mất diện tích đất canh tác, giảm sản lượng cây trồng hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái nông nghiệp ở các vùng ven biển. 

Theo ông Võ Văn Minh, việc giữ lại được rừng phòng hộ ven biển đã hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của gió, bão. Các mô hình trồng rau an toàn, nuôi tôm trên cát, nuôi cá nước ngọt rất cần được phát huy. Tuy nhiên, nông nghiệp thích ứng với BĐKH là một đề tài lớn, cần được nghiên cứu để hỗ trợ nông dân. Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa hỗ trợ gì nhiều mà chủ yếu là người dân tự “tương kế tựu kế” để vượt qua khó khăn. 

Sự thành công của mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Bình Triều hay mô hình nuôi tôm trên cát ở xã Bình Minh một phần do người dân biết làm nông nghiệp sinh thái. Họ không san lấp để nuôi, trồng trên diện tích lớn mà nuôi, trồng ngay trên các vùng tự nhiên sẵn có, giữ lại hệ thống cây rừng phòng hộ xung quanh. 

“Nông nghiệp cần thích ứng với thị trường và BĐKH. Chính vì vậy, việc áp dụng thành tựu của khoa học hiện đại, kết hợp với tri thức bản địa là hết sức cần thiết” - ông nói.

Lê Đình Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI