Làm dâu, có chuyện gì cứ trút vào... giấy

04/03/2020 - 05:41

PNO - Hôm trước ngày đưa dâu, mẹ chị đưa chị một quyển sổ ghi chép rất dày, dặn chị có gì vui buồn hãy ghi vào đó, và nhớ cất nó vào ngăn tủ có khóa.

Mẹ chị nói, nhật ký là một phần đời của mình, lưu giữ một cách trung thực những sự kiện xảy ra và giúp mình giải tỏa những áp lực cuộc sống. 

Mẹ bảo, chung sống với nhà mình có khi còn những nỗi niềm khó nói, huống gì bước vào một gia đình mới với những thói quen, nền nếp, văn hóa nhiều khác biệt. Thế nên hãy rèn việc viết nhật ký, thay vì đi kể lể với người nọ người kia, vừa chưa hẳn giúp được gì cho mình, mà có khi còn chuốc thêm rắc rối. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị nghiệm ra rằng, việc viết nhật ký cũng có tác dụng thật. Có khi đang cơn uất ức, giận hờn… chị trút vào giấy, xong thấy nhẹ hẳn, nỗi bực dọc cũng vơi đi ít nhiều, sau đó chị bình tĩnh hơn. 

Có lần chị tưởng mình sắp gào lên khi nghe mẹ chồng nói với con gái bà rằng: “Tranh thủ lúc con mình ngủ thì ngủ cùng nó đi, để lúc nó thức còn có sức mà chăm nó chứ!”. Trong khi, cũng chính bà lại nói với chị rằng: “Phải tranh thủ lúc con mình ngủ để lo dọn dẹp, làm việc nhà, chứ cũng ngủ theo nó thì mọi việc còn chình ình ra đó, biết bao giờ mới xong?”. Chuyện xảy ra khi đứa em chồng về ở cữ nhà mẹ, chị cũng đang chăm con nhỏ. 

Chị nuốt nước mắt, ghi vào nhật ký cả hai câu nói của mẹ chồng, với niềm uất ức khôn tả. Nhưng chị cố dằn lòng, tự nhủ nếu mình kể lể với mẹ ruột thì mẹ sẽ đau lòng lắm, còn làm lớn chuyện ra thì chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi. 

Một lần khác vào ngày 30 tết, bà gọi điện cho ông bà thông gia, “nhắc khéo” họ khuyên con gái - tức là chị - nên ở bên nhà chồng lo chu toàn trách nhiệm. Trong khi đó, bà lại gọi cho nhà chồng của con gái, xin phép họ cho con bà về đón tết sớm và ở lại nhà mẹ suốt tết. Chị tủi thân, khóc ướt vai chồng, và ướt cả mấy trang nhật ký.

Chị đã thay hàng chục quyển nhật ký trong hai mươi mấy năm làm dâu. Có khi giờ giở ra xem lại, chị vẫn rưng rức khóc hay bật cười vì những dòng chữ sống động trong đó. Có khi chị nhìn bà, giờ đã lẫn và không còn nhận ra ai, kể cả đứa con trai cưng là chồng chị và mấy đứa cháu mà bà từng nâng niu. Bà chỉ ngồi đó, hoặc nằm nhìn chăm chăm lên trần nhà. Chị phải đút ăn từng muỗng và tắm rửa, mặc đồ cho bà. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà quên cả tên của con trai và con gái, nhưng lại gọi đúng tên chị, chỉ một mình chị. Có lẽ mình chính là “oan gia ngõ hẹp” nên bà gọi đúng tên mình, chị nghĩ vậy.

Rồi bà mất. Chồng chị và cô em chồng mở ngăn tủ khóa mà từ ngày bà bị lẫn không ai động đến. Trong đó có một hộp lớn đựng toàn vàng miếng SJC, giấy tờ đất đai cùng với một tờ di chúc. Trong đó bà ghi rõ để lại toàn bộ tài sản, đất đai cho vợ chồng chị. Riêng cái hộp lớn đựng vàng ấy, tất cả là của chị, riêng chị thôi. Ngày công chứng ghi trên tờ di chúc cũng chính là ngày chị viết trong quyển nhật ký nỗi uất ức vì sự thiên vị của bà lúc cô em chồng về ở cữ nhà mẹ đẻ. 

Tối nay, trên trang nhật ký, chị biết viết gì đây trong cái ngày kết thúc hành trình làm dâu của mình? Dẫu sao, chị vẫn tin rằng bà hiểu được tấm lòng của chị. Và những năm tháng cuối cùng khi bà vẫn gọi đúng tên chị, chị chỉ thấy thương bà, chỉ có thương mà thôi. 

Phạm Thư

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI