Kiểm soát sự nóng lên toàn cầu: Bây giờ hoặc không bao giờ

17/04/2022 - 17:38

PNO - Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc (IPCC), thế giới sẽ hứng chịu những biến đổi lớn về khí hậu nếu lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay không giảm đi một nửa vào năm 2030.

Lợi ích kinh tế ngăn cản chính sách 

Theo Báo cáo biến đổi khí hậu 2022 công bố hôm 11/4, nếu các hành động khẩn cấp không được thực hiện, nhân loại sẽ không thể kéo giảm sự nóng lên của trái đất, không thể khống chế mức tăng nhiệt độ tối đa là 1,5oC. Vượt qua giới hạn này thế giới có thể sẽ đối mặt với hạn hán, mưa bão, hỏa hoạn... khốc liệt. Với mức tăng hiện nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể làm địa cầu nóng lên gấp đôi, vào khoảng 3,2oC vào năm 2100.

Điện gió ở Mojave, California (Mỹ), một trong những năng lượng tự nhiên giúp hạn chế những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu - ẢNH: NG
Điện gió ở Mojave, California (Mỹ), một trong những năng lượng tự nhiên giúp hạn chế những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu - Ảnh: NG

Để có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu, người ta hy vọng vào cuộc cách mạng năng lượng sạch. Việc sử dụng than phải được cắt giảm 95% trên toàn thế giới, tiêu thụ dầu và khí đốt phải giảm lần lượt 60% và 45% vào năm 2050. Thay cho các nguyên liệu này là công nghệ sạch, vận hành bằng nguồn nhiên liệu mới với chi phí ngày càng thấp.

Từ năm 2010 - 2019, chi phí đầu tư cho công nghệ pin năng lượng mặt trời và pin lithium-ion đều giảm trung bình 85%. Chi phí đầu tư năng lượng gió cũng giảm đến 55%. Điều đó cho phép việc triển khai rộng rãi hơn những công nghệ này. Ví dụ, việc sử dụng xe điện đã tăng gấp 100 lần trong cùng một thập kỷ và việc sử dụng năng lượng mặt trời hiện đang phổ biến hơn mười lần trên toàn thế giới.

Các quốc gia đã cam kết cắt giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận khí hậu Paris. Thế nhưng, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres phát biểu: “Một số lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp đang nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Nói một cách đơn giản, họ đang nói dối và kết quả sẽ rất thảm khốc”. IPCC cho biết, chỉ tính riêng về công nghệ và chi phí, việc giảm thiểu phát thải nhà kính để hạn chế sự nóng lên ngưỡng 1,5°C là khả thi. Nhưng trở ngại vẫn là “các mối quan hệ chính trị và quyền lực cũng như các lợi ích kinh tế đang ngăn cản các chính sách khí hậu”. 

Không gì là không thể

Theo ông John Kerry - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu - báo cáo của IPCC cho thấy, thế giới hiện đang thiếu sót khi chưa phát động một “cuộc chiến” để tránh những hậu quả về khí hậu tồi tệ nhất. “Chúng tôi có các công cụ cần thiết để đạt được mục tiêu của mình, như cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, đạt mức zero ròng vào năm 2050 và đảm bảo một hành tinh sạch hơn, khỏe mạnh hơn”, ông Kerry nói.

Nhưng theo chuyên gia môi trường Alexander Barron - Đại học Smith, Massachusetts, Mỹ - thế giới đã mất quá nhiều thời gian để thực hiện các hành động cần thiết. “Việc không thải carbon dioxide ngay từ đầu là điều dễ dàng nhưng đã không được thực hiện. Có rất nhiều điều báo cáo liệt kê như trồng rừng, cải thiện quản lý rừng, thực hành canh tác tốt hơn, bảo vệ hệ sinh thái ven biển để thu giữ carbon dioxide một cách tự nhiên và tốt cho đa dạng sinh học, cũng như sinh kế địa phương. Tuy nhiên, chúng ta gặp rắc rối là ai cũng muốn có một công nghệ siêu phàm để giải quyết các vấn đề đó ngay tức khắc”, ông nói.

Báo cáo của IPCC kết luận, để có 2/3 cơ hội giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2ºC, theo các mô hình dự đoán, từ nay đến năm 2100, cần loại bỏ khoảng 170 - 900 tỷ tấn carbon dioxide bằng cách sử dụng công nghệ mới hơn. Theo Barron, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng trong năm 2025, thì cuộc chiến về cơ bản đã thất bại. Dù vậy, không gì là không thể nếu mọi người thực sự dấn thân và quyết liệt đấu tranh để bảo vệ môi trường. 

Nam Anh (theo National Geographic)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI