Không xóa bỏ mô hình 'trường đại học trong đại học'

19/11/2018 - 19:58

PNO - Theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua, mô hình đại học tổ chức theo 2 cấp hành chính không bị xóa bỏ mà trao quyền cho các cơ sở tự xác định.

Chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Với 408/456 (chiếm 84,12%) số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã chính thức được thông qua.

Trước đó, thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều ý kiến cho rằng không nên giữ mô hình “trường đại học trong đại học” vì gây chồng chéo bộ máy, tốn kém kinh phí, cản trở sự phát triển của đại học.

ĐB Nguyễn Anh Tuấn (Long An) khẳng định: "Mô hình đại học 2 cấp như đại học quốc gia, đại học vùng chỉ tồn tại và có ở Việt Nam, không có nơi nào trên thế giới làm như vậy".

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội phân tích, mô hình đại học gồm tổ hợp/nhóm các trường đại học thành viên không phải là điều mới và cũng đang là một trong những xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới.

Khong xoa bo mo hinh 'truong dai hoc trong dai hoc'
ĐBQH biểu quyết thông qua các dự án luật chiều ngày 19/11.

Theo ông Bình, mô hình đại học ở Việt Nam đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, quản lý, đầu tư chưa phù hợp.

"Do đó, luật lần này không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình”, ông Bình cho biết.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này, Hội đồng trường của trường đại học công lập có nhiều quyền hạn như quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc sáp nhập với trường đại học khác theo quy định của pháp luật; thông qua kế hoạch hàng năm, quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng. Hàng năm, tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

Trước đó, tại phiên làm việc của Quốc hội vào chiều 19/11, Quốc hội đã bấm nút và thông qua Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt và Luật Cảnh sát biển với tỷ lệ ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành lần lượt là 93, 61% ; 93,81%;  96,29%

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI