Không sợ hãi dù ở gần thất bại

05/06/2016 - 07:50

PNO - Cầm mớ bo mạch điện tử lỉnh kỉnh trên tay, kỹ sư điện tử Hoàng Tuấn Kiệt (SN 1981) say sưa nói về nó.

Nếu dự án khởi nghiệp thành công như mong đợi, anh và các đồng nghiệp trong công ty của mình sẽ là những người Việt đầu tiên sản xuất thành công pin lithium-ion (pin công nghệ sạch), sản phẩm (SP) mà từ trước đến giờ chỉ nhập khẩu chứ chưa ai đủ “liều” để sản xuất bởi nền tảng công nghệ cao của nó.

Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP.HCM, Kiệt được nhận vào Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM). Sau 5 năm làm công chức mẫn cán, Kiệt và các đồng nghiệp mong muốn nhìn thấy kết quả nghiên cứu của mình trở thành các SP phục vụ đời sống, cũng như muốn chung tay để thay đổi thực tại “ngành điện tử VN vốn đang là con số 0 tròn trĩnh”. Rõ ràng, người Việt chưa tạo ra được một SP công nghệ điện tử nào của riêng mình.

Năm 2010, được một người chú đầu tư vốn và quyết tâm góp sức của các đồng nghiệp, Kiệt nghỉ việc, cùng mọi người thành lập Công ty Năng lượng Bảo Sơn. Theo anh, thế giới công nghệ đang chuyển dần từ ắc-quy qua pin lithium-ion. Nếu như ắc-quy cồng kềnh, phải sử dụng nguyên liệu có hại cho môi trường là axít và chì thì pin lithium-ion loại bỏ được hai loại nguyên liệu đó, nhỏ gọn và bền hơn. Trên thế giới, ô tô điện, xe đạp điện cũng đã dần bỏ ắc-quy để chuyển qua pin, hệ thống năng lượng mặt trời cũng vậy.

Khong so hai du o gan that bai
Tuấn Kiệt (giữa) giới thiệu về “pin bảo mật thông minh”, một sản phẩm của Công ty Bảo Sơn cho khách hàng

“Vài năm nữa, pin lithium-ion sẽ là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các SP điện tử, nguồn lưu trữ điện nên đầu ra sẽ rất lớn, nếu kiên trì với công việc đang làm, khả năng thành công của nhà máy pin gần như chắc chắn và chúng tôi sẽ đạt thành tựu nhất định từ việc trở thành nhà sản xuất tiên phong về pin công nghệ sạch tại Việt Nam” - Kiệt chia sẻ.

Ý tưởng là vậy, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, Kiệt gặp muôn vàn khó khăn. Anh phải ôm hồ sơ vào Khu công nghệ cao TP.HCM để xin được “đóng đô” ở đó, trầy trật mãi mới nhận được cái gật đầu, bởi ít ai dám tin một kỹ sư trẻ sản xuất được pin lithium-ion. Đặt móng xây dựng xưởng sản xuất rồi, anh gặp cả núi khó khăn khác: tìm và giữ chân những cộng sự trẻ tâm huyết, huy động vốn để hoạt động, tìm đầu ra cho SP...

Vài năm đầu, Kiệt cùng cộng sự làm việc trong phòng nghiên cứu đến hai, ba giờ sáng mới về nhà là chuyện bình thường. Tất cả các công đoạn, nhóm của Kiệt đều phải mày mò, thử nghiệm. “Thu nhập không cao, những cộng sự của tôi chủ yếu là các kỹ sư trẻ máu nghề cộng với “tự ái dân tộc” nên mọi người nỗ lực tối đa”. Dự án càng hoạt động càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn. Kiệt không nhớ mình đã phải ôm xấp giấy dự án và mớ linh kiện đi trình bày với biết bao nhiêu ngân hàng, nhưng thường thì anh nhận được cái lắc đầu. Trong khi đó, nhà xưởng, máy móc cần rất nhiều tiền.

Có những ngày, gặp thất bại trong nghiên cứu, anh đã tự động viên mình rằng, bản thân là “đầu tàu” thì không thể có những biểu hiện sợ hãi, nếu mình sợ hãi sẽ “vỡ trận”. Rất nhiều lần, về đến nhà, anh lảng tránh những ánh nhìn ái ngại từ những người thân, lầm lũi vào phòng tự dỗ giấc ngủ. Anh đã nhiều lần dày mặt thuyết phục những người thân, bạn bè để mượn tiền đổ vào dự án, thậm chí phải bán cả căn nhà mà rất khó khăn mới mua được. “Đã bắt tay khởi nghiệp, khó khăn là hết sức bình thường. Dù có cảm giác thất bại đang ở đâu đó gần lắm, nhưng tôi không sợ hãi và tin sẽ thành công”, Kiệt bộc bạch.

Vượt qua nhiều khó khăn, dự án có chậm hơn dự kiến nhưng đến nay, mọi thứ đang sáng sủa dần lên. 30 con người của Bảo Sơn đã tạo ra được những SP riêng của mình. Đáng kể nhất là pin dùng cho xe đạp điện. Một bộ pin xe đạp điện do Bảo Sơn sản xuất có giá 4-5 triệu đồng, cao hơn pin của Trung Quốc nhập về rất nhiều, nhưng vẫn bán được nhờ chất lượng tốt hơn hẳn; những đối tác có thương hiệu lớn và cần SP uy tín sẵn sàng mua.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI