Không mong con về với mẹ lâu...

03/04/2021 - 17:54

PNO - Lúc đầu chị cúi mặt lặng im, sau khóc như mưa. Bao nhiêu ấm ức trong lòng tuôn ra hết, chị không kìm nén nổi nữa. Anh đến sau lưng, ôm vợ, không nói nên lời.

Từ ngày chị lấy chồng, phòng của chị ở nhà cha mẹ bỏ trống. Thỉnh thoảng cuối tuần vợ chồng lái xe ra ngoại thành thăm cha mẹ, đến chiều thì về. Chị nói anh khó ngủ nếu qua đêm chỗ lạ. Phòng khóa cửa, lâu lâu mẹ mới mở, chỉ để hút bụi. Vậy nên nghe tin chuyến này con cháu về nhiều ngày, mẹ nôn nao giục cha phụ làm mới căn phòng.

Vừa chào ông bà ngoại xong là Su ào ra vườn. Vườn nhà mênh mông, có quá nhiều thứ hấp dẫn đối với đứa trẻ lớn lên ở chung cư. Được phút thảnh thơi, chị ngả lưng xuống giường, thở hắt ra. Mẹ thắc mắc sao anh không đi cùng, chị trả lời vòng vo rồi chuyển đề tài, cố ý lảng tránh.

Tối đó, mẹ nói nhỏ với cha, hình như gia đình của con có chuyện. Biết không giấu được, chị chủ động giãi bày. Anh có người khác, một cô đồng nghiệp trẻ ở cơ quan. Chị chịu đựng cả năm nay và làm đủ mọi cách nhưng họ vẫn giữ mối quan hệ đó. Còn thương chồng, không muốn Su và Kem tổn thương, nhưng có lẽ chị phải ly hôn.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Biết vợ giận, anh không dám gọi cho chị mà hỏi thăm con cái qua cha vợ. Hai người đàn ông nói với nhau khá lâu. Rồi cha mở loa ngoài, gọi cháu đến. Bốn người trò chuyện vui vẻ. Anh hỏi Su có muốn cha về chơi cùng không. “Dạ muốn!”, Su đáp. 

Đứa trẻ vừa ngủ xong giấc trưa thì anh đã có mặt. Mua một con vịt với đủ thứ lỉnh kỉnh, anh vào bếp làm món vịt tiềm. Đây là món ưa thích của cả nhà và anh nấu ngon nhất.

Như thường lệ, mẹ nhường bếp cho con rể, vui vẻ giúp anh những việc lặt vặt. Không tham gia nấu nướng, chị nằm võng xem tin tức qua điện thoại. Bé Su thỏ thẻ: “Mẹ giận ba hả?”. Ôm con vào lòng, chị cười buồn: “Đâu có”.

Hai người đàn ông có chút men bia dưới gốc mận già. Anh thú thật rằng anh đã sai. Anh thương vợ con, không bao giờ muốn gia đình tan vỡ. Mọi chuyện chấm dứt từ nửa năm nay nhưng nói thế nào chị cũng không tin. Không đối thoại, không chia sẻ, không cho cơ hội giải thích, chị dựng một bức tường ngăn cách mà anh chẳng có cách gì phá vỡ.

Chị làm mọi việc một mình, coi như anh không có mặt trong nhà. Như lần nghỉ phép này, chị tính toán rồi dẫn con về ngoại chơi. Đi làm về, thấy nhà cửa vắng tanh, tủ áo vơi bớt, anh gọi điện cho cha mới biết.

Buổi tối, anh dỗ con ngủ, cha nói chuyện với mẹ, mẹ thủ thỉ cùng chị. Lúc đầu chị cúi mặt lặng im, sau khóc như mưa. Bao nhiêu ấm ức trong lòng tuôn ra hết, chị không kìm nén nổi nữa. Anh đến sau lưng, ôm vợ, không nói nên lời.

Tranh thủ hai ngày cuối tuần, anh thuê xe, chuẩn bị chuyến đi biển ngắn cho cả nhà. Lòng muốn vợ chồng hàn gắn nhưng vẫn còn “làm mặt lạnh” nên chị nài nỉ cha mẹ tham gia. Đứa cháu hớn hở nhảy cẫng ôm cổ bà rồi quay sang ông: “Ông ngoại cũng đi tắm biển nha.”

Cha giống mẹ, thường nói đi xa vừa mệt vừa tốn kém. Vậy mà bây giờ, cha giơ ngón tay cái với cháu. Chị hiểu, cha mẹ muốn vun vén hạnh phúc cho con gái.

Sau gần một tuần về ngoại, bé Su trở lại trường mẫu giáo. Căn phòng trống trơn. Mẹ giặt drap giường cất vào tủ. Cha dựng tấm nệm sát vách tường. Cha mẹ đều biết, sóng gió trong gia đình con gái vẫn chưa qua hết. Bây giờ mẹ mới nhận ra, bà không mong cháu con về ở lâu nữa, chỉ ước chúng bình yên trong chính ngôi nhà của chúng. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI