Khi số ca nhiễm không còn là tiêu chí đánh giá dịch bệnh

02/01/2022 - 09:18

PNO - Số ca nhiễm “khủng” không còn quá đáng sợ như trước đây, bởi hàng tỷ người dân đã được tiêm chủng, giúp số ca trở nặng, tử vong giảm mạnh.

Tình hình dịch bệnh có nhiều thay đổi

Omicron - biến thể mới nhất của SARS-CoV-2 - đang lây truyền nhanh tại các quần thể có mức độ miễn dịch cao trên thế giới. Do đó, ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 “đột phá” - từ chuyên môn chỉ các trường hợp lây nhiễm ở người đã được tiêm chủng đầy đủ - dù khả năng miễn dịch từ vắc xin hiện có vẫn đủ để ngăn ngừa ca nghiêm trọng. 

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm xét nghiệm di động ở Đông New York - Ảnh: New York
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm xét nghiệm di động ở Đông New York - Ảnh: New York Times

Mỹ, Anh và Pháp đều đã vượt kỷ lục 100.000 ca COVID-19 mới hằng ngày. Hiện các ca “đột phá” trong số những người được tiêm chủng đang nhanh chóng trở thành xu hướng. Ali Ellebedy - phó giáo sư về bệnh lý học và miễn dịch học tại Đại học Y khoa Washington ở St. Louis - giải thích: “Khi nhiều người được chủng ngừa và nhiều biến thể lưu hành, nhiều ca nhiễm hơn trong số những người được tiêm chủng là điều hiển nhiên. Omicron đang đẩy nhanh quá trình này”.

Theo số liệu trước đó, các trường hợp mắc COVID-19 ở những người chưa tiêm chủng cao gấp sáu lần so với những người được tiêm chủng, tỷ lệ tử vong cũng cao gấp 12 lần. Số ca nghiêm trọng và cần nhập viện cũng ít hơn trong số những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên với Omicron, việc được tiêm chủng đầy đủ có vẻ như không tạo ra mức độ bảo vệ tương đương, cả về khả năng nhiễm và lây truyền. Tuy vậy, số liệu từ Nam Phi, Anh cho thấy tỷ lệ nhập viện đối với người lớn nhiễm COVID-19 trong thời Omicron thấp hơn 29% so với làn sóng vào giữa năm 2020. 

Đã có hai loại thuốc kháng virus đường uống hiệu quả giúp ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong ở những người mới nhiễm COVID-19 vừa được cấp phép sử dụng ở nhiều nước là Paxlovid của Pfizer và Molnupiravir của Merck. Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. CDC Mỹ báo hiệu một sự thay đổi quan trọng về chính sách dựa theo tình hình thực tế bằng cách thừa nhận rằng không thể đạt được miễn dịch cộng đồng hoàn hảo chống lại COVID-19. 

Không nên quá lo lắng về số ca nhiễm

Với đại dịch, hiện thế giới đã tiến đến thời điểm các chính sách xác định cuộc sống có trở lại bình thường hay chưa dựa trên số liệu, tỷ lệ ca nhiễm cụ thể đã dần trở nên không phù hợp. Một trong số các lý do là những số liệu, tỷ lệ nhiễm cụ thể này được đặt ra từ trước khi các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi, những nhà hoạch định chính sách chưa có dữ liệu đầy đủ nhất về tình hình lây nhiễm. Vì vậy, việc đặt cột mốc cho các biện pháp giãn cách và tái mở cửa dựa trên số ca nhiễm đã trở nên không còn nhiều ý nghĩa như trước đây. 

Số ca mắc mới không đồng nghĩa với số ca cần hỗ trợ ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao và việc hiểu sai số liệu có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Việc quá tập trung vào số lượng ca bệnh tạo ra nhận thức sai lầm rằng tiêm chủng không hiệu quả, do tỷ lệ các ca bệnh “đột phá” sẽ tăng tỷ lệ thuận với số lượng người được tiêm chủng ngày càng tăng. Trong khi phần lớn các trường hợp “đột phá” không dẫn đến nhập viện.

Một lý do khác khiến số liệu ca nhiễm ít quan trọng hơn là do việc đo lường mức độ nhiễm bệnh ngày càng trở nên không chính xác. Các xét nghiệm COVID-19 nhanh tại nhà hiện phổ biến hơn nhiều, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều dữ liệu sai lệch về cả ca dương tính và âm tính. Điều này khiến số trường hợp nhiễm được báo cáo có sai biệt nhiều so với thực tế.

Cuối cùng, khi số ca nhiễm tăng lên nhưng số ca trở nặng và nhập viện giảm xuống, COVID-19 sẽ dần trở thành dịch bệnh thông thường chẳng hạn như cúm mùa. Ngoài ra, vào những thời điểm nhất định khi bệnh gia tăng ở một khu vực cụ thể, hệ thống y tế sẽ đảm bảo các phương pháp điều trị sẵn sàng và đầy đủ.

Các chuyên gia cho rằng thay vì lo lắng quá nhiều về tổng số ca bệnh, các nước nên tập trung tiếp cận, hỗ trợ những người có nguy cơ chuyển nặng cao nhất do COVID-19 hoặc chưa được tiêm chủng. Để giảm thiểu sự gián đoạn về kinh tế và xã hội khi các trường hợp nhiễm gia tăng, CDC Mỹ cũng đã giảm một nửa thời gian tự cách ly đối với những người nhiễm bệnh không có triệu chứng xuống còn 5 ngày. 

Tấn Vĩ

(theo Bloomberg, Time, New York Times, NBC, Vox

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI