Nga báo cáo số ca nhiễm kỷ lục, Đức lo lắng về làn sóng lây nhiễm thứ tư

31/10/2021 - 18:29

PNO - Hôm 31/10, Nga báo cáo 40.993 ca nhiễm COVID-19 mới, con số cao nhất trong một ngày kể từ đầu đại dịch. Đức lo lắng khi số ca nhiễm gia tăng.

Bên cạnh số ca nhiễm kỷ lục, lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Nga cũng báo cáo 1.158 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 trong 24 giờ qua.

Nga là quốc gia đầu tiên đăng ký và sản xuất hàng loạt vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2020. Tuy nhiên vắc xin Sputnik V vẫn chưa được quốc tế chấp thuận. Điều này khiến người dân Nga khó du lịch đến phương Tây, nơi chỉ chấp nhận những trường hợp đã tiêm các loại vắc xin do Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hoặc Anh phê chuẩn.

Điều này đã dẫn đến tình trạng lượng khách du lịch tiêm chủng từ Nga đến các quốc gia như Serbia - nơi cho phép du lịch miễn thị thực từ Nga - tăng đột biến.

Việc EU và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận vắc xin Sputnik V sẽ giúp những người Nga đã tiêm chủng dễ dàng đi lại quốc tế. Tuy nhiên, EU nhiều lần trì hoãn việc phê duyệt vắc xin của Nga và cho biết Nga không cung cấp cho cơ quan quản lý của mình, Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA), dữ liệu phù hợp về vắc xin.

Nga bác bỏ thông tin trên, nói rằng những tuyên bố này là có động cơ chính trị và cho biết EMA đang "cố kìm hãm quy trình".

Mọi người chờ đợi các đơn hàng mang đi tại một cửa hàng cà phê Starbucks ở trung tâm Moscow
Mọi người chờ đợi các đơn hàng mang đi tại một cửa hàng cà phê Starbucks ở trung tâm Moscow

Trong khi đó, tại Đức, làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư khiến nhiều người lo ngại. Dịch bệnh dường như đang phát triển nhanh chóng và khó dự đoán vào mùa thu 2021, khi chính phủ Đức đang trong quá trình chuyển đổi và tỷ lệ tiêm chủng cố định tụt hậu so với phần còn lại của Tây Âu.

Việc người dân di chuyển ngày càng dày đặc, cơ sở hạ tầng dã chiến phục vụ xét nghiệm hầu như được tháo dỡ hoàn toàn và số nhân sự tại các bệnh viện giảm khiến một số chuyên gia cảnh báo rằng nuốc Đức đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, khó giải quyết hơn so với các giai đoạn trước của đại dịch.

Hendrick Streeck, giám đốc viện nghiên cứu virus học và HIV tại Đại học Bonn cho biết: “Tôi lo lắng về tình hình hiện tại. Năng lực tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt bị giảm sút; chúng ta có thể phải tính đến một đợt cúm khác”.

Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức đã cảnh báo về “khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc ngày càng tăng” sau khi báo cáo tỷ lệ mắc bệnh là 145 trường hợp nhiễm mới trên 100.000 cư dân - mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5.

Việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen ở Đức, nhưng việc tiêm chủng vẫn còn đình trệ.
Việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen ở Đức, nhưng tốc độ tiêm chủng tại nước này vẫn còn đình trệ

Hiện tại, số ca nhiễm ở Đức đang cao hơn rất nhiều so với cùng thời điểm vào năm 2020. Theo dữ liệu riêng của chính phủ liên bang, tính đến ngày 29/10/2021, đã có 205.700 ca nhiễm COVID-19 (vào ngày 29/10/2020, con số này là 131.541).

Hiện, tỷ lệ tử vong trung bình liên quan đến COVID-19 trong 7 ngày là 75 ca, cao gần gấp đôi so với một năm trước (44 ca).

Số lượng bệnh nhân COVID-19 cần giường chăm sóc đặc biệt gần ngang bằng với mức đỉnh tháng 10/2020, với 1.868 bệnh nhân trong ngày 29/10.

Tuy mức độ tuân thủ các hạn chế xã hội (như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng) duy trì ở mức cao, nhưng Đức và nước láng giềng phía nam là Áo lại tụt hậu so với các quốc gia Tây Âu khác về tỷ lệ tiêm chủng. Hiện 66% dân số Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, con số này ở Pháp là 68%, ở Ý là 71% và ở Tây Ban Nha là 80%.

Không giống như một số quốc gia Nam Âu, Đức đã từ chối việc tiêm chủng bắt buộc đối với một số lĩnh vực công nghiệp.

Linh La (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI