Khi phụ nữ khởi nghiệp và làm giàu vì phụ nữ

07/05/2017 - 06:00

PNO - Khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là đối với phụ nữ, vì họ sẽ vấp phải nhiều yếu tố như văn hóa, gia đình, con cái…

Khởi nghiệp với sở thích về thời trang và không một chút kiến thức về ngành nghề này, nhưng hai cô gái Marissa Vosper và Lauren Schwab đã tạo nên thương hiệu đồ lót Negative Underwear với mong muốn phục vụ nhu cầu và tôn vẻ đẹp của phụ nữ chứ không dành cho việc thu hút phái mạnh. 

Khi phu nu khoi nghiep va lam giau vi phu nu
Cô Seren Eilmann (phải) bên sản phẩm lót giày do cô làm ra

Rời đại học với hai ngành nghề không liên quan gì đến thời trang, Marissa làm việc trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu và Lauren làm ngành tài chính. Công việc tiếp diễn nhàm chán, đôi bạn muốn tìm lại sở thích từ lâu chưa thực hiện được bằng cách tham gia lớp đêm tại Học viện thời trang công nghệ (FIT) ở New York (Mỹ). 

Lauren chia sẻ: “Chúng tôi thấy thị trường đồ lót có quá nhiều lựa chọn không phù hợp, thiếu tính ứng dụng và không hấp dẫn cũng như yếu tố thông thoáng. Hơn nữa, những thương hiệu đồ lót nổi tiếng xa xỉ với nhiều người, thậm chí mau hỏng sau vài lần giặt”.

Tuy thời gian đầu nghiên cứu thị trường và thiết kế sản phẩm hết sức vất vả, chật vật, tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng bằng nghị lực và niềm đam mê thời trang, hai cô gái đã tạo nên thương hiệu đồ lót cho riêng mình.

Đồ lót mà họ tạo ra trên chất liệu vải mát, có hoa văn bắt mắt, tôn dáng phụ nữ và giá cả phải chăng.

Khi phu nu khoi nghiep va lam giau vi phu nu
Hai nhà sáng lập thương hiệu đồ lót Negative Underwear

Với mong muốn đem lại vẻ đẹp quyến rũ nhưng không gây hại cho sức khỏe, cô Seren Eilmann đến từ Estonia, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu Heelosophy đã tạo ra miếng đệm lót giày cao gót phù hợp với từng bàn chân và loại giày người tiêu dùng chọn.

Ý tưởng miếng đệm lót giày nảy sinh khi cô phải mang đế chỉnh hình vì đau đầu gối. Đây là vật dụng chèn vào giày cao gót để phục hồi đôi chân bị đau, tuy tiện ích nhưng không mang lại vẻ đẹp tự nhiên và hấp dẫn cho mỗi bước đi phụ nữ. Toàn bộ quá trình tạo ra đế lót giày tiện lợi này gồm hai bước.

Đầu tiên, thiết bị cảm biến nhạy cảm đặt trong một đế giày mỏng đo bàn chân trong năm phút. Sau đó, sản phẩm lót giày phù hợp với đôi chân của mỗi người sẽ được làm và giao trong vòng ba ngày.

Ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ có thể được xem là một vùng đất màu mỡ để chị em có thể tự thỏa sức thể hiện sự nhạy bén cũng như bản lĩnh làm việc của mình. Ấn Độ đang dần chú ý đến nguồn nhân lực dồi dào này khi phụ nữ từng bước tự tạo lập doanh nghiệp dù nhận về rất nhiều rào cản.

Nhận thấy nhiều phụ nữ chật vật khi “đến tháng” vì không thể mua băng vệ sinh, cô Kristin Kagetsu lên ý tưởng cho doanh nghiệp Saathi Pads - cơ sở chăm sóc sức khỏe “start-up” chuyên cung cấp nguồn băng vệ sinh sinh học có thể phân hủy làm từ sợi cây chuối.

Khi phu nu khoi nghiep va lam giau vi phu nu
Nữ “start-up” trẻ Pranshu Patni, người sáng lập ứng dụng học tiếng Anh thông dụng ở Ấn Độ

Khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là đối với phụ nữ, vì vấp phải nhiều yếu tố như văn hóa, gia đình, con cái… Do đó, các nhà khởi nghiệp nữ ở Ấn Độ nhận định phụ nữ cần tự tin hơn nữa vào ý tưởng khởi nghiệp.

Để làm được điều đó, phụ nữ “hãy biết kết hợp văn hóa, trình độ học vấn cùng với ý tưởng thực hiện doanh nghiệp của mình”, theo bà Sairee Chahal, người điều hành công ty “start-up” (khởi nghiệp) Sheroes tại Ấn Độ chuyên hỗ trợ việc làm cho phụ nữ. Bà cho biết việc start-up của phụ nữ thường bị thiếu hụt về nguồn tài chính do chưa nhận được sự tin tưởng nhất định từ các nhà đầu tư. 

Khi phu nu khoi nghiep va lam giau vi phu nu
Cô Kristin Kagetsu, người thành lập cơ sở chăm sóc - sức khỏe “start-up” cho phụ nữ, bên sản phẩm băng vệ sinh từ sợi cây chuối của mình

Còn theo nữ doanh nhân trẻ Pranshu Patni, người sáng lập trang web học tiếng Anh thông dụng Culture Alley, với vấn đề gây quỹ, giới tính sẽ quyết định khá nhiều, phụ nữ cần phải tách rời vấn đề giới tính khỏi công việc kinh doanh và cam kết với nhà đầu tư bằng sản phẩm của mình. “Hãy để sản phẩm của mình tự nói lên tất cả”, cô chia sẻ kinh nghiệm.

Bằng chứng là, năm 2014, Culture Alley đã có mặt trong quỹ đầu tư “500 Startups”, một trong những “vườn ươm” khởi nghiệp lớn nhất thế giới.

Ứng dụng học tiếng Anh “Hello English” của cô đã trở nên phổ biến nhất trên Google Play của Ấn Độ với hơn 450.000 lượt tải xuống trên hơn 220 quốc gia. 

Nguyễn Khanh 
(Theo Forbes, CNN, Estonian World,  She the People.TV, Chatur Ideas)

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI