Khi con thấy bất công

04/06/2016 - 12:55

PNO - Tôi rất muốn nói với cháu về những điều không hài lòng khi con trưởng thành, nhưng cháu mới lớp 5, còn quá nhỏ để hiểu hết.

Chuyện xảy ra đã mấy hôm rồi, mà cứ nhớ tới là con tôi lại ấm ức, khóc tức tưởi. Số là từ học kỳ I, trường cháu có tổ chức kỳ thi “Vở sạch chữ đẹp” toàn trường. Cháu và ba bạn cùng lớp đều có giải và nhà trường hứa sẽ trao vào cuối năm. Con tôi mong lắm. Nhưng hôm tổng kết lớp cuối năm, cô giáo thông báo lại trường chỉ dành có hai phần và cháu không nằm trong danh sách khen thưởng này.

Cháu nói với tôi, cháu ấm ức vì người thứ hai cô chọn không xứng đáng. Cháu một mực cho rằng do bạn ấy là con của hội trưởng hội cha mẹ học sinh nên cô thiên vị. Cháu kể ra bao nhiêu điều trong lớp mà cô giáo dành cho bạn ấy. Thú thực, tôi rất muốn nói với cháu về những điều không hài lòng khi con trưởng thành, nhưng cháu mới lớp 5, còn quá nhỏ để hiểu hết. Tôi phải nói sao cho con không cảm thấy tổn thương?

Ngọc Oanh (Q.3, TP.HCM)

Khi con thay bat cong
Ảnh mang tính minh họa

Chị Ngọc Oanh mến,

Cảm xúc của trẻ rất cần người lớn quan tâm, chia sẻ và tôn trọng. Chị đã phần nào quan tâm dỗ dành cháu khi thấy con buồn. Có lẽ cháu cũng đã vơi đi ít nhiều sự ấm ức về điều bất công, thiếu công bằng trong cách ứng xử của cô giáo, theo cách hiểu của cháu. Cháu khóc được khi có nỗi buồn bực trong lòng là tốt chị ạ. Khóc sẽ giúp cháu cân bằng nhanh hơn. Những bé không khóc mà chuyển những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực về người khác thành sự thù hận thì thật đáng lo.

Chị đã rất nhạy cảm khi đánh giá con đang bị tổn thương. Chị muốn chia sẻ với cháu về những điều bất như ý, bất công khác trong cuộc sống, nhưng chị lo cháu không đủ hiểu biết để thấu hiểu sự phức tạp của cuộc sống.

Có thể cô giáo ưu tiên con vị hội trưởng hội phụ huynh, nên cháu cảm thấy bất công. Nhưng cũng có thể đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của cháu khi thấy mình không được như bạn. Để tìm cách nói phù hợp với cháu, chị cần làm rõ câu chuyện này từ các góc nhìn của vài bạn khác trong lớp, từ quan điểm của giáo viên nữa.

Chị có thể liên lạc với học sinh trong lớp xem các bé nghĩ gì về chuyện này. Để khách quan, chị hỏi ngẫu nhiên chứ đừng hỏi các bé chơi thân với con chị. Chị có thể tìm gặp hay điện thoại cho giáo viên trò chuyện về việc bé buồn khi không được phát thưởng.

Nếu cháu đánh giá đúng việc thì chị có thể nói với cháu về những điều không hài lòng khi con trưởng thành như chị đang muốn nói. Trong cuộc sống để đạt được sự công bằng tuyệt đối là rất khó. Sự chi phối của các mối quan hệ, của lợi ích luôn tồn tại. Tôi tin trẻ lớp 5 bây giờ hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ với chị. Cháu đủ nhạy cảm trước bất công, cháu cũng sẽ đủ hiểu về những việc tương tự có thể có trong cuộc sống. Và chị nên hướng cháu tới sự nỗ lực phấn đấu để có được năng lực thực sự hơn là quan tâm đến việc ai được trao giải. Chị phân tích thêm sự việc để cháu cảm thông cho bạn mình.

Tôi cũng mong những thầy cô giáo, cha mẹ khi đọc được tâm sự này của chị sẽ nhận ra và biết cách ứng xử với trẻ công bằng hơn. Nếu thầy cô giáo để cả lớp bình bầu hai trong bốn bạn về thành tích học tập hoặc dựa trên kết quả thi để chọn hai bạn xứng đáng nhận giải thì sẽ là bài học quý về sự công bằng cho học sinh. Hoặc nếu giáo viên có thể trao đổi lại với ban tổ chức trao giải tạo điều kiện có thêm giải nữa để cả bốn em cùng được trao như lời hứa ban đầu cuộc thi sẽ càng khiến các em vui hơn, không em nào bị tổn thương và so sánh.

Nếu cảm nhận của cháu là định kiến, cô giáo không hề thiên vị, thì điều cần làm là động viên cháu nỗ lực hơn. Chị có thể phân tích vài ý từ thông tin cô và các bạn trao đổi để cháu hiểu vì sao cô phải làm như vậy và quyết định của cô là hợp lý, hợp tình. Có khi vì điều kiện nhà trường chỉ có thể trao hai giải nên cô giáo cũng tiếc cho con, mà không làm khác được… Khi thấu hiểu lý do cô giáo quyết định, cháu sẽ bớt ấm ức hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI