Hội Người mẫu - Có cũng như không

23/07/2013 - 04:39

PNO - PN - Hội Người mẫu ra đời mang đến nhiều kỳ vọng cho giới làm nghề, thế nhưng, 5 năm trôi qua, Hội chưa có một hoạt động nào chứng tỏ sự tồn tại của mình.

Ngày 27/10/2006, tại Hà Nội, Bộ VHTT nay là Bộ VH-TT-DL đã chính thức công bố quyết định thành lập Hội Người mẫu Việt Nam. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Hội này đề ra một số dự án hoạt động như trong năm ít nhất tổ chức được một-hai chương trình thời trang lớn nhằm “tạo đất diễn” cho người mẫu.

Chủ tịch Hội nhiệm kỳ I, ông Nguyễn Văn Khánh, từng khẳng định: “Ban chấp hành đang từng bước xây dựng giáo án đào tạo chính quy, dự định mở thêm khoa người mẫu trong các trường đại học, cao đẳng nghệ thuật”.

Hoi Nguoi mau - Co cung nhu khong
Khi những nhức nhối của nghề người mẫu lên đến đỉnh điểm
cũng không thấy quan chức nào của Hội đứng ra phát biểu

Dự án đào tạo trên đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, nhưng không có người thực hiện, cũng chẳng có kinh phí lẫn sự hợp tác nào từ phía các trường nghệ thuật nên đành bỏ dở. Khâu đào tạo người mẫu, đến nay, sau 5 năm thành lập Hội, chủ yếu vẫn là truyền nghề theo kiểu người đi trước bảo người đi sau.

Về hoạt động của Hội, trụ sở Hội duy trì một thời gian rồi giải tán vì không còn kinh phí. Các thành viên ban chấp hành mỗi người một nơi. Vì thế, năm 2012, khi những nhức nhối của nghề người mẫu được đẩy lên đỉnh điểm qua vụ Mỹ Xuân bán dâm, Hội Người mẫu được đặt vào tầm ngắm của dư luận hơn bao giờ hết, nhưng không có một quan chức nào của Hội đứng ra phát biểu. Ông chủ tịch lúc đó thì chuyên tâm làm công tác chuyên môn tại Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa thông tin và du lịch của Bộ VH-TT-DL.

Khi những vi phạm trong lĩnh vực trình diễn thời trang có nhiều diễn biến phức tạp, gần đây nhất là dàn người mẫu tham gia chương trình thời trang Đêm hội chân dài 7 vi phạm đạo đức nghề nghiệp… bị phản ứng gay gắt, dư luận cũng chưa thấy vai trò của Hội ở đâu trong việc định hướng nghề nghiệp cho các người mẫu.

Ngay trong các cuộc giao ban thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT-DL về chấn chỉnh công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang trong hai năm gần đây, không có đại diện nào của Hội xuất hiện với tư cách chính thức, dù không ít công ty quản lý và đào tạo người mẫu được mời đến đăng đàn.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của một hội nghề nghiệp khi ra đời là tạo được sân chơi để định hướng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hội viên phát triển. Nhưng đó vẫn còn là mơ ước xa vời của Hội Người mẫu, bởi việc nhỏ nhất là cấp thẻ hội viên Hội cũng chưa làm được, nói gì chuyện xa xôi.

Quan trọng hơn, chính những người trong cuộc, người mẫu và các công ty đào tạo, quản lý người mẫu, sau những mừng vui khi nghề của mình được Nhà nước và xã hội công nhận, thì nay thờ ơ với việc vào Hội và tham gia hoạt động Hội. Bằng chứng là đã có không ít thành viên trong Ban vận động sáng lập Hội Người mẫu xin rút tên khỏi Hội.

Không quá lời khi nói Hội Người mẫu là “hữu danh vô thực”. Và cũng chẳng có nhiều hy vọng cho Hội trong nhiệm kỳ II khi ngay cả kinh phí tổ chức đại hội cũng không có, nên phải lùi lại bốn tháng mới có thể tổ chức, nếu không nhờ “Mạnh Thường Quân” là Công ty Cát Tiên Sa của tân Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Minh đứng ra “bao thầu” tất! Thời gian qua, với chừng ấy hoạt động và đóng góp, sự tồn tại của Hội còn đáng để quan tâm?

 M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI