Học sinh Trung Quốc được luyện thành những cỗ máy thi cử từ cấp II

22/08/2023 - 06:00

PNO - Nhiều trường trung học ở Trung Quốc áp đặt quy tắc “không ngẩng lên” trong lớp để ngăn chặn sự phân tâm và qua đó đảm bảo học sinh có kết quả cao nhất.

 

Dưới áp lực cạnh tranh cho suất vào đại học và việc làm, nhiều trường học tại Trung Quốc đã đề ra những quy định nghiêm khắc cho học sinh nhằm cải thiện sự tập trung và khả năng tiếp thu bài học - Ảnh: Getty Images
Dưới áp lực cạnh tranh vào đại học và việc làm, nhiều trường học Trung Quốc đã đưa những quy định nghiêm khắc cho học sinh 

Thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt buộc các trường học tại Trung Quốc phát triển nhiều giải pháp nghiêm khắc để thúc ép học sinh học tập chăm chỉ hơn bao giờ hết, với mục tiêu chính là đảm bảo một suất vào đại học.

Đây là lúc các biện pháp như “tỉ lệ ngẩng đầu” được trọng dụng. Hành vi này xuất hiện ở nhiều trường trung học trên khắp Trung Quốc. Theo đó, giáo viên sẽ đếm xem có bao nhiêu học sinh ngẩng đầu lên trong lớp khi có tiếng ồn bất ngờ xảy ra, nhằm đo mức độ tập trung của các em.

Wang Yimei - học sinh cấp II ở tỉnh Hà Bắc - nói rằng, những hình phạt khắc nghiệt đi kèm với việc thực hiện phương pháp “tỉ lệ ngẩng đầu”.

Cô bé kể: “Nếu bạn bị giáo viên bắt gặp khi ngẩng đầu nhìn lên, điều đó được coi là vi phạm các quy tắc. Sau đó bạn phải đứng phạt cả ngày, từ 8g đến 22g”.

Một số giáo viên được cho là đã kiểm tra sự tập trung của học sinh bằng cách cố tình tạo ra tiếng động, chẳng hạn như tiếng gõ cửa hay các âm thanh khác, và những học sinh ngẩng đầu lên sẽ bị phạt.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, 1 học sinh giấu tên đã đặt câu hỏi liệu phương pháp có tiềm ẩn nguy hiểm hay không vì nó mâu thuẫn với phản xạ tự nhiên của con người, chẳng hạn như khi nghe thấy tiếng động bất ngờ, chúng ta sẽ chú ý theo bản năng sinh tồn.

“Chúng ta là con người với bản chất phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, tôi tự nhủ không được nhìn lên khi nghe thấy những tiếng động như vậy. Dù trường học có sụp đổ cũng đừng ngẩng đầu lên” - cô bé viết.

Bất chấp những tình huống nguy hiểm, các tổ chức giáo dục vẫn kiên trì áp dụng nhiều phương pháp học tập khắc nghiệt, trong khi thúc đẩy học sinh đạt đến những giới hạn chưa từng có, nhằm đảm bảo 1 suất vào đại học và việc làm tốt trong tương lai. Dù vậy, thực tế là các biện pháp này không giải quyết được vấn đề thất nghiệp, vì số lượng sinh viên ra trường mỗi năm lớn hơn số việc làm mới dành cho họ.

Theo tổ chức ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thể thao và giáo dục ở Trung Quốc đã tăng hơn 20% từ năm 2018 đến năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực này giảm so với cùng kỳ.

Thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 đang trở thành một vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng ở Trung Quốc, hồi tháng 6, mức thất nghiệp ở kỷ lục là 21,3%.

Một giáo viên cổ vũ các học sinh trung học trước khi họ tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
1 giáo viên cổ vũ các học sinh trung học trước kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia của Trung Quốc

Mặc dù vậy, hầu hết các trường ở Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm cứng nhắc rằng học sinh phải theo học tại 1 trường đại học danh tiếng để có được công việc tử tế và hy vọng về 1 tương lai thịnh vượng. Trên trang web Zhihu, 1 câu hỏi về việc liệu sự thay đổi mô hình giáo dục khắt khe có ảnh hưởng vĩnh viễn đến học sinh theo hướng tồi tệ hơn hay không đã thu hút gần 1.000 câu trả lời.

Câu trả lời được xếp hạng cao nhất là của một cô gái trẻ, cô viết: “Chắc chắn, ảnh hưởng của trường học đã để lại dấu ấn sâu sắc. Bất cứ khi nào tôi nhận được kết quả không như kỳ vọng tôi đều cảm thấy xấu hổ. Ngoài ra, tôi sống với cảm giác tội lỗi dai dẳng nếu tôi không liên tục học tập.

Tuy nhiên, cuộc đời còn dài. Mặc dù tôi vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề sau khi tốt nghiệp cấp II cách đây nhiều năm, tôi tin chắc rằng một ngày nào đó tôi sẽ vượt qua được nỗi ám ảnh này và tôi cầu chúc các bạn cũng như vậy”.

Linh La (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI