Khi ăn uống lành mạnh trở nên… không lành mạnh

20/08/2023 - 07:56

PNO - Tiến sĩ Tay Yi Hang cho biết: “Một số cá nhân có thể dành rất nhiều thời gian và công sức để tìm nguồn cung ứng và mua thực phẩm hoặc lên kế hoạch và chuẩn bị các bữa ăn. Nỗi ám ảnh này ảnh hưởng đáng kể đến thành tích học tập, công việc hoặc đời sống xã hội của họ”.

 

Chứng rối loạn liên quan đến nỗi ám ảnh về việc ăn uống lành mạnh có thể gây bất lợi cho sức khỏe tâm thần và thể chất - Nguồn ảnh: Internet
Chứng rối loạn liên quan đến nỗi ám ảnh về việc ăn uống lành mạnh có thể gây bất lợi cho sức khỏe tâm thần và thể chất - Nguồn ảnh: Internet

Tiến sĩ Tay là chuyên gia tư vấn tâm lý tại Bệnh viện Khoo Teck Puat (Singapore). Theo ông, mối bận tâm trên được gọi là hội chứng orthorexia nervosa. Thuật ngữ này do bác sĩ người Mỹ Steven Bratman đưa ra vào những năm 1990, có nghĩa là “ám ảnh ăn uống lành mạnh”. Việc ám ảnh mọi thành phần trong chế độ ăn uống, hạn chế nghiêm ngặt các loại thực phẩm khi ăn và cố gắng tuân theo chế độ ăn uống “hoàn hảo” có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.

Ăn uống quá nghiêm khắc cũng là bệnh

Năm 2017, Sabrina Debusquat - 29 tuổi, người Pháp - kể lại việc cô đã ăn chay trong hơn 18 tháng, sau đó là thuần chay (kiêng trứng, các sản phẩm từ sữa, thậm chí cả mật ong) - trước khi chuyển sang chế độ ăn thô, tránh tất cả thực phẩm nấu chín và cuối cùng là quyết định chỉ ăn trái cây. Chỉ đến khi bạn trai cô thấy những lọn tóc của cô trong bồn rửa ở phòng tắm thì cô mới nhận ra rằng sức khỏe của mình đang suy giảm. “Tôi luôn tin vào thực phẩm sạch, những thứ sẽ giúp tôi sống lâu nhất có thể. Tôi muốn đạt được một trạng thái thuần khiết. Tuy vậy, cuối cùng, cơ thể tôi đã chế ngự tâm trí tôi” - Debusquat nói.

Patrick Denoux - giáo sư tâm lý học liên văn hóa tại Đại học Toulouse-Jean Jaures (Pháp) - cho biết, một người mắc chứng orthorexia thường “bị giam cầm bởi một loạt quy tắc mà họ áp đặt lên chính mình”. Những quy tắc nghiêm ngặt này cách ly cá nhân khỏi các cuộc tụ tập ăn uống và trong những trường hợp cực đoan có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Chuyên gia dinh dưỡng Sophie Ortega ở Paris từng tiếp nhận 1 bệnh nhân bị mù do thiếu vitamin B12 - loại vitamin cần thiết để tạo hồng cầu. “Đó là một người ăn thuần chay kiên định, thậm chí còn từ chối dùng thực phẩm bổ sung. Cứ như thể cô ấy thà mất thị lực... còn hơn là phản bội cam kết của mình với động vật” - Ortega nói.

Những người có tiền sử béo phì và hình ảnh cơ thể kém có nhiều khả năng phát triển chứng rối loạn ăn uống - Nguồn ảnh: Internet
Những người có tiền sử béo phì và hình ảnh cơ thể kém có nhiều khả năng phát triển chứng rối loạn ăn uống - Nguồn ảnh: Internet

Hiện tại, ở Singapore, chưa có dữ liệu nào về tỉ lệ mắc hội chứng orthorexia nervosa được công bố. Nguyên nhân “có thể là do orthorexia nervosa chưa được chính thức công nhận là một tình trạng y tế” - tiến sĩ Zheng Zhimin - bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Sức khỏe tâm lý Nobel (Singapore), thành viên Tập đoàn Y tế Healthway - cho biết.

Chuyên gia dinh dưỡng thể thao và lâm sàng Jaclyn Reutens cho hay cô đã nhận thấy sự gia tăng số ca mắc bệnh trong thập niên qua. Dù vậy, tình trạng này khó chẩn đoán vì phần lớn có vẻ ngoài khỏe mạnh và hầu hết họ không biết mình đang mắc bệnh. 

Reutens cho biết việc cố gắng ăn uống lành mạnh phụ thuộc vào niềm tin thực phẩm của người bệnh. “Ví dụ, nếu một người cho rằng carbohydrate là xấu sẽ loại bỏ toàn bộ thực phẩm chứa carbohydrate. Việc này có thể dẫn đến tình trạng sụt cân nghiêm trọng, mệt mỏi và cáu kỉnh” - cô nói. Sự thiếu hụt dinh dưỡng thường liên quan đến kẽm, sắt, canxi và protein, có thể dẫn đến rụng tóc, da khô, móng giòn hoặc yếu, mất khối lượng cơ và khả năng miễn dịch thấp. 

Ở một người quyết tâm không dùng thực phẩm chứa chất bảo quản, chúng ta có thể không thấy những thay đổi rõ ràng về thể chất vì không có nhóm thực phẩm chính nào bị loại bỏ. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của người đó. “Ngay khi thức dậy, người đó thường nghĩ về những gì mình sẽ ăn trong ngày. Thời gian còn lại trong ngày, họ sẽ nghĩ về cách “hoàn thiện” chế độ ăn uống của mình hơn nữa dựa trên những mục tiêu đã đặt ra và thường không thực tế” - Reutens nói.

Theo tiến sĩ Tay, sự thất vọng xuất hiện khi bệnh nhân không thể tìm thấy đủ nguồn thực phẩm “lành mạnh”.  “Việc vi phạm các quy tắc ăn kiêng tự đặt ra này mang lại cảm giác tội lỗi, lo lắng, thậm chí là nỗi sợ bệnh tật quá mức” - vị chuyên gia nói.
Những người mắc chứng orthorexia nervosa có xu hướng tránh các cuộc ăn uống, tiệc tùng - nơi họ sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc tiêu thụ thực phẩm. Những người này cũng kiểm soát cả cách ăn uống của người thân, chẳng hạn như con cái, do lo ngại chúng không tốt cho sức khỏe. Điều này tác động tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội vì ăn uống cùng nhau thường là một cách để gắn kết mọi người. 

Những người mắc chứng orthorexia nervosa có xu hướng tránh các cuộc ăn uống, tiệc tùng - Nguồn ảnh: iStock
Những người mắc chứng orthorexia nervosa có xu hướng tránh các cuộc ăn uống, tiệc tùng - Nguồn ảnh: iStock

Ai dễ bị chứng ám ảnh ăn uống lành mạnh?

Chứng orthorexia nervosa được cho là bắt nguồn từ “chủ nghĩa hoàn hảo tiềm ẩn, sự cứng nhắc, lòng tự trọng thấp hoặc cảm giác không ổn định về bản thân”. “Ở trong môi trường chú trọng vào chế độ ăn kiêng, chẳng hạn như trở thành vận động viên hoặc làm việc trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, cũng được chứng minh là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng orthorexia nervosa” - tiến sĩ Tay Yi Hang nói.

Những người có tiền sử béo phì và hình ảnh cơ thể kém có nhiều khả năng phát triển chứng rối loạn ăn uống do thói quen “kiểm soát cân nặng và hình ảnh cơ thể “lý tưởng” của họ”.

Alain Perroud - một bác sĩ tâm thần từng làm việc ở Pháp và Thụy Sĩ suốt 30 năm - cho biết orthorexia “gần giống với chứng ám ảnh” hơn là rối loạn ăn uống. “Cũng giống như những nỗi ám ảnh khác, vấn đề có thể được giải quyết bằng liệu pháp hành vi nhận thức - nói về những niềm tin không đúng hoặc quá mức, xử lý các tình huống gây lo lắng và sử dụng các kỹ thuật thư giãn cũng như các phương pháp khác để giải quyết lo lắng” - ông gợi ý.

Cũng như các dạng rối loạn ăn uống khác, có một cách tiếp cận toàn diện từ các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần và chuyên gia dinh dưỡng để khôi phục chế độ ăn uống bình thường và trọng lượng cơ thể khỏe mạnh cũng như điều trị bất kỳ tình trạng tâm thần nào.

Ngoài việc lập kế hoạch cho bữa ăn, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp đưa ra lời khuyên về hội chứng cho ăn lại. Hội chứng này có thể gây tử vong khi một người đột nhiên được cho ăn lại nhanh chóng sau một thời gian dài thiếu dinh dưỡng.

Những người mắc hội chứng orthorexia nervosa thường lo lắng về việc ăn uống. Vì vậy, hãy tế nhị và tránh đưa ra những bình luận có thể khiến họ cảm thấy xấu hổ. Thay vào đó, “hãy chia sẻ một bữa ăn cân bằng bao gồm các nhóm thực phẩm thiết yếu cho họ và tránh chủ đề ăn kiêng hay nói về cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ về những gì bạn đã ăn. Hãy nói về tầm quan trọng của việc chăm sóc và nuôi dưỡng bản thân, đồng thời tôn vinh các loại thực phẩm bổ dưỡng, bất kể nguồn gốc hoặc thành phần của chúng” - tiến sĩ Tay nói. 

Ám ảnh ăn uống lành mạnh và chán ăn tâm thần

Theo Hiệp hội Rối loạn ăn uống quốc gia (Mỹ), những người mắc chứng orthorexia nervosa thường bận tâm và lo lắng quá mức về chất lượng thực phẩm cũng như lợi ích sức khỏe của họ. Không giống như người mắc chứng chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) cố gắng không ăn và tập trung vào lượng calo, giảm cân hoặc khẩu phần ăn, người mắc chứng orthorexia chú ý đến độ tinh khiết của thực phẩm và cố gắng tạo ra chế độ ăn kiêng “hoàn hảo”. Một số dấu hiệu của orthorexia bao gồm liên tục kiểm tra nhãn dinh dưỡng, nghiên cứu thực phẩm, xem xét thành phần hoặc trở nên lo lắng nếu thức ăn của họ không được nấu theo một cách nhất định. Họ cũng có thể tránh một số nhóm thực phẩm hoặc loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống.

Chán ăn tâm thần và orthorexia cũng có một số đặc điểm chung. Một người mắc chứng chán ăn hoặc chứng orthorexia có thể trở nên căng thẳng hoặc choáng ngợp khi nghĩ về những bữa ăn trong tương lai. Những người mắc chứng chán ăn hoặc orthorexia có thể ít giao tiếp xã hội hơn và không muốn thảo luận về thức ăn với người khác. Cả hai chứng rối loạn ăn uống đều có thể dẫn đến cảm giác xấu hổ và để lại những hậu quả nghiêm trọng khác về thể chất và tinh thần.


Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI