Hiểm nguy theo những đơn hàng ban đêm

14/11/2022 - 06:30

PNO - Nữ shipper L.T.M.U. (quận Bình Tân, TPHCM) kể, chị thường giao hàng ban đêm để có thêm thu nhập, tránh nắng nóng, kẹt xe nhưng cũng luôn cảm thấy bất an.

 

Các nữ tài xế giao hàng ban đêm luôn đối diện với hiểm nguy, bao gồm bị tai nạn, cướp giật và quấy rối
Các nữ tài xế giao hàng ban đêm luôn đối diện với hiểm nguy, bao gồm bị tai nạn, cướp giật và quấy rối

Đầu tháng Mười một này, chị L.T.M.U. nhận được 1 đơn giao thức ăn từ đường Lê Cơ đến khu dân cư Hương lộ 2, phường An Lạc, quận Bình Tân. Khi giao hàng đến nơi, chị thấy 1 nhóm thanh niên đặt bàn nhậu ngoài đường. Thấy chị U. còn trẻ, xinh xắn, nhóm này gạ “cụng ly cho vui”. Khi chị U. từ chối thì 1 người trong nhóm nắm tay kéo chị vào bàn. Chị U. hoảng sợ, chạy đến 1 nhà dân gần đó nhờ giúp đỡ thì nhóm thanh niên này mới dừng trêu chọc và trả tiền đơn hàng.

“Có hôm, giao hàng trong hẻm, gặp mấy ông say rượu, gạ gẫm, tôi sợ quá nên rồ ga chạy, cầm luôn hàng về cho con ăn” - chị U. tâm sự.

Các shipper cũng là “con mồi” mà các đối tượng cướp, giật nhắm đến. Vừa qua, chị L.T.H.N. - 21 tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng - giao hàng đến 1 con hẻm trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TPHCM, vừa móc điện thoại ra gọi cho khách nhận hàng thì bị đôi nam nữ tấp xe vào giật điện thoại và rồ ga bỏ chạy. 

Tối 11/7, anh Nguyễn Khánh Duy - 25 tuổi, ở TPHCM - đang giao hàng cho khách ở hẻm 133 Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh thì bị kẻ gian nhảy lên xe nổ máy phóng đi cùng hàng hóa trên đó. Anh chạy bộ đuổi theo hơn 200m, đến đầu hẻm thì mất dấu. 

Việc các tài xế chạy xe liên tục nhiều giờ trong đêm cũng rất dễ bị tai nạn. Mới đây, 1 shipper 70 tuổi trên đường đi giao hàng ở tỉnh Bình Dương đã bị xe container tông chết. 

Ông Trương Nhất - ở quận 5, TPHCM - cho biết, tháng 8/2022, trong lúc giao đồ ăn từ đường Châu Văn Liêm, quận 5 đến đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, ông bị tai nạn giao thông, gãy chân, phải tốn hơn 100 triệu đồng phẫu thuật nhưng không được hưởng chế độ gì. “Trong lúc giao hàng mà bị gì thì mình tự chịu chứ bên hãng không có trách nhiệm gì cả, đến việc thăm nom, tặng cho hộp sữa còn không có” - ông chua chát.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), đa số các hãng cung cấp nền tảng giao hàng công nghệ hay xe ôm công nghệ đều không ký hợp đồng lao động với tài xế mà chỉ ký hợp đồng xác lập quan hệ đối tác. Do cách định danh như vậy nên quan hệ giữa các công ty với tài xế không được xem là bên sử dụng lao động và người lao động. Mặt khác, các hãng xe ôm công nghệ thường không trả lương cho tài xế, không quản lý thời gian làm việc nên khi bị tai nạn trong thời gian làm việc, người giao hàng khó yêu cầu bồi thường tai nạn lao động. 

“Tôi cho rằng, các nhà làm luật cần nghiên cứu, soạn thảo thêm quy định để ràng buộc trách nhiệm đối với các hãng cung cấp nền tảng gọi xe công nghệ, giao hàng nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động” - luật sư Nguyễn Tri Đức nói. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI