Đâu phải ký xong là ly hôn
Chị V. và anh N. từ miền Trung vào TP.HCM học chung trường đại học. Những năm đầu thập niên 1990, cuộc sống sinh viên vất vả, khó khăn, nhưng hai người vẫn trao cho nhau một tình yêu đẹp, thơ mộng và lãng mạn. Sau khi tốt nghiệp ra trường, cả hai ở lại TP.HCM tìm việc làm.
Năm 1999, chị V. và anh N. về quê tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn, sau đó vào TP.HCM mua đất xây nhà, đến năm 2002 anh chị có con chung. Từ căn nhà nhỏ ở ngoại thành, đến năm 2010 anh chị đã mua được nhà lớn hơn ở quận Tân
Bình, TP.HCM.
|
Không phải bộ hồ sơ ly hôn nào cũng suôn sẻ (Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock) |
Thời kỳ đầu hôn nhân, cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc. Đến năm 2015, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn do bất đồng nhiều quan điểm, lối sống. Anh N. thay đổi tính tình, thường xuyên đi chơi qua đêm, có biểu hiện ngoại tình; không còn quan tâm, chăm sóc vợ con; không chia sẻ mọi việc trong gia đình với chị V.
Chị V. cố gắng níu kéo, hàn gắn và vun đắp tình cảm vợ chồng, nhưng nỗ lực của chị không có kết quả, tình cảm vợ chồng không còn. Năm 2020, khi con trai thi vào đại học, anh N. và chị V. thỏa thuận sẽ thuận tình ly hôn, tài sản chung tự thỏa thuận, phân chia. Anh chị làm đơn yêu cầu thuận tình ly hôn và nộp cho tòa án.
Sau khi tòa án thụ lý, anh N. đến để ghi bản tự khai, tòa hẹn các bên đến để dự phiên họp giải quyết việc thuận tình ly hôn theo quy định.
Tuy nhiên, anh N. không tới tòa lần nào nữa; khi tòa gọi điện, anh bảo anh chưa muốn ly hôn, tòa muốn xử sao cũng được. Sau đó, anh N. và chị V. sống ly thân, anh N. về nhà cha mẹ ruột tại Quảng Nam ở đến nay.
Tháng 11/2020, chị V. bỗng dưng nhận được quyết định đình chỉ “Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn”, với lý do anh N. và chị V. đã được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Khi chị V. đến tòa, thẩm phán giải thích và hướng dẫn: Nếu làm theo thủ tục thuận tình ly hôn thì phải cả hai cùng có mặt, cùng đồng thuận và không thay đổi thì mới được công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp này, do anh N. không đồng ý nữa, nên tòa phải đình chỉ yêu cầu. Nếu chị V. vẫn muốn ly hôn thì làm đơn khởi kiện (theo diện ly hôn đơn phương) để được tòa án thụ lý giải quyết.
Theo sự hướng dẫn của tòa, đầu năm 2021 chị V. đã làm đơn xin đơn phương ly hôn và tòa án đã thụ lý. Anh N. không đến, tòa án xác minh qua công an phường mới biết anh N. có hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình, nhưng thực tế lại sống ở Quảng Nam.
Sau khi chị V. cung cấp địa chỉ của anh N. ở nhà cha mẹ anh, tòa án yêu cầu chị V. rút đơn khởi kiện và về nộp tòa án nơi anh N. đang cư trú thực tế để được giải quyết theo thẩm quyền.
Giữa năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chị V. tạm gác lại vụ việc. Khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, chị tiếp tục hành trình tìm tự do.
|
Vì giá trị của tự do, nhiều người đã vượt qua mọi khó khăn để ly hôn thành công (Ảnh minh họa) |
Nhận tiền bán nhà mới thuận tình ly hôn
Nếu là đơn phương ly hôn, chị V. sẽ phải ra Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nơi chồng cũ đang sống, để nộp đơn. Nếu anh N. không đồng ý ly hôn, chị V. còn phải ra vào nhiều lần, chưa kể đến các rắc rối khi chia tài sản.
Qua sự tư vấn và gợi ý các giải pháp của luật sư, chị V. gọi cho chồng nói sẽ đồng ý bán nhà chia tài sản, hỏi anh có đồng ý ly hôn không. Sự việc đúng như nhận định của luật sư, anh N. đồng ý thuận tình ly hôn và sẵn sàng vào TP.HCM để giải quyết việc ly hôn, nhưng với điều kiện phải chia đôi giá trị ngôi nhà ở quận Tân Bình.
Anh còn ra điều kiện: khi vào TP.HCM, đến tòa ký giấy ly hôn là phải nhận được tiền chia tài sản, không có tiền thì không ký. Chị V. sốc với đề nghị này.
Nếu để tòa án giải quyết phân chia tài sản thì phải tốn thêm tiền án phí, phí thi hành án, nếu vay mượn để có tiền đưa cho anh N. thì chị V. cũng không có khả năng. Cuối cùng, giải pháp hợp lý nhất là bán nhà. Luật sư soạn thảo văn bản thỏa thuận giữa vợ và chồng, làm chứng cho các bên, kể cả bên mua nhà; đồng thời phải liên hệ với tòa án, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xin sắp xếp thời gian công việc phù hợp.
Theo đó, ngày mà các bên đến tòa án lập bản khai, ký biên bản hòa giải, biên bản hòa giải thành (thuận tình ly hôn) và ngày các bên ký hợp đồng mua bán nhà và giao nhận tiền là thống nhất với nhau và được tiến hành song song, cùng lúc tại trụ sở tòa án.
Đề phòng anh N. sau khi nhận tiền chia tài sản lại thay đổi ý kiến trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ký biên bản thuận tình ly hôn (nếu một bên thay đổi thì tòa án không thể ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn), luật sư đã giúp các bên thực hiện giải pháp có tính ràng buộc: Số tiền chia cho anh N. các bên thống nhất giao cho văn phòng luật sư giữ hộ 20%. Khi chị V. nhận được quyết định công nhận thuận tình ly hôn - có hiệu lực pháp luật, thì văn phòng luật sư chuyển số tiền đó cho anh N. Cuối cùng, chị V. cũng thở phào cầm quyết định ly hôn, tài sản được chia thỏa đáng.
Có thể nói, nếu ly hôn nhưng các bên vẫn còn tôn trọng và tin tưởng nhau, thì không đến mức phải đầy đủ các thủ tục như câu chuyện dài nói trên. Tuy nhiên, khi lòng tin không còn, thì các giải pháp an toàn luôn được đặt ra để cuộc ly hôn suôn sẻ, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ