Hạnh phúc của ông lão sáng cọc cạch đạp xe bán vé số, chiều rạng ngời về với vợ

18/10/2016 - 06:30

PNO - Ông cười thật hiền: “Bà ấy đã dành cả cuộc đời để cùng tôi đi qua rất nhiều khó khăn. Giờ tôi là nguồn “ánh sáng” duy nhất của bà ấy, đó không chỉ là tình yêu mà còn là sự biết ơn của tình nghĩa vợ chồng”.

Người ta vẫn thường thấy ông đạp chiếc xe cọc cạch ngang qua xóm với giọng rao miền Tây ngọt lành “vé số sáng mua chiều xổ”, gương mặt rạng ngời khi trên tay cầm con cá, lạng thịt vội về chuẩn bị bữa cơm chiều cho vợ…

Căn nhà lụp xụp tuềnh toàng, rộng chừng 20m2 nơi con hẻm nhỏ hẹp là tổ ấm của đôi vợ chồng “nổi tiếng” nhất KP.10, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM - ông Nguyễn Văn Năng (68 tuổi) và bà Phạm Thị Lan (66 tuổi). Ẩn sau hoàn cảnh chồng tật nguyền bán vé số nuôi vợ mù là hành trình gian nan hai người đã đi qua bằng tình yêu vô bờ dành cho nhau.

Năm 1972, sau một tai nạn trong chiến tranh, phải tháo khớp gối đôi chân, ông Năng rời quê hương Long An lên Sài Gòn lập nghiệp. Ông chỉ có thể chọn những việc nhẹ như bán báo, bán kẹo, bán vé số dạo với thu nhập ít ỏi sống tạm qua ngày. Đời ông bước sang trang mới khi trái tim loạn nhịp trước người con gái tên Lan đẹp người đẹp nết. Vượt qua tự ti, ông quyết tâm theo đuổi bà. Bà Lan nhớ như in thuở còn “tình trong như đã…”: “Ban đầu nhìn ổng thấy mến vì khuôn mặt duyên quá. Tính tình ổng hiền lành, tự trọng rất cao, ổng tật nguyền vậy mà luôn cố gắng làm mọi việc, ít nhờ vả người khác, lại rất chịu khó nên tui thương lúc nào hổng hay”.

Hanh phuc cua ong lao sang coc cach dap xe ban ve so, chieu rang ngoi ve voi vo
Vợ chồng ông Năng, bà Lan trong “tổ uyên ương”

Năm 1973, miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh, cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng, người tàn tật, người sức yếu phải cố gắng gấp nhiều lần để xây dựng tổ ấm. Thấy việc buôn bán dạo ở Sài Gòn không khả quan, vợ chồng ông bàn nhau về Tây Ninh. Nơi đó, ông bà làm đủ nghề, từ bốc vác thuê đến trồng trọt, chăn nuôi. Đụng đến việc lao động tay chân, bà Lan phải đứng ra cáng đáng giúp chồng. Sức yếu, gánh gồng được hai năm thì bà đổ bệnh, không làm nổi.

Một lần nữa, Sài Gòn rộng lớn là nơi họ trở về. Ngày ngày, hai vợ chồng đẩy xe cùng đi nhặt ve chai, bán vé số, cà rem và báo dạo. Nhiều người thấy xót xa, hỏi bà: “Cực nhọc vậy, có bao giờ bà thấy hối hận vì đã cưới ông?”. Trăm lần như một, bà đáp, hối hận thì không nhưng buồn tủi thì đôi khi cũng có.

Ngày xưa thương hoàn cảnh, mến tính tình, bà tình nguyện gắn bó đời mình với ông. Đứng trước sự phản đối của gia đình, bà thẳng thắn tuyên bố: “Cha mẹ cho con cưới ảnh, sướng con hưởng, khổ con chịu”. Vì câu nói đó mà dù có ra sao bà cũng không dám than vãn nửa lời.

Thấy vợ kiệt sức vì lao động nặng, ông Năng như đứt từng khúc ruột. Bù lại những vất vả của vợ, ông cố gắng làm ăn. Lao động quần quật nhiều năm, cuối cùng họ cũng có được ngôi nhà nhỏ nhưng ắp đầy yêu thương.

Đôi vợ chồng già không con chưa bao giờ than trách hay cảm thấy bất hạnh khi trong nhà thiếu vắng tiếng trẻ thơ. Những năm đầu mới cưới, ông bà lo làm kinh tế, chưa nghĩ đến chuyện có con. Khi đã ổn định, bà đi khám mới biết mình bị u nang buồng trứng. Khao khát có được đứa con, ông bà chạy chữa khắp nơi nhưng không được.

Rồi vợ chồng an ủi nhau xem như mình không có duyên với đường con cái. Nhờ suy nghĩ tích cực, cả hai dần cảm thấy nhẹ lòng. Có người gợi ý ông bà nhận con nuôi nhưng ông gạt phăng: “Con cái là lộc trời ban, không cho đành chấp nhận chứ kiếm con nuôi biết có hợp với mình không”.

Thấy trong xóm có người lạ, mấy đứa nhỏ nhà bên sang thập thò “ngó mặt” và tíu tít chạy về chia phần quà bánh được cho. Một vị khách lỡ miệng nói đùa: “Có bao giờ ông thèm con đến mức muốn… ra ngoài kiếm?”. Ông Năng lắc đầu nguầy nguậy: “Bậy, cái đó là bậy lắm! Bả đã vì tôi mà khổ cả đời, chuyện con cái không còn quan trọng nữa. Quan trọng là tui được sống với bả trọn đời”. Nghe chồng nói, bà Lan quờ quạng rồi nắm tay ông, thỏ thẻ: “Tui theo đạo, ổng cưới tui rồi cũng theo đạo luôn.

Ổng lúc nào cũng sống lạc quan, tin Chúa, nhờ có ổng mà tui cũng quên mất nỗi buồn khi không được làm thiên chức của người phụ nữ”. Đôi bàn tay siết chặt nhau, như giúp bà nhìn lại được gương mặt “duyên quá” của ông kể từ khi không còn ánh sáng.

Hơn ba năm trước, phát hiện thị lực suy giảm, bà đi mổ nhưng chẳng may bị biến chứng rồi mù hoàn toàn. “Ngày nào vợ tôi cũng khóc. Vì chưa quen sống trong bóng tối nên bị vấp té thường xuyên. Mặt mũi, tay chân liên tục bị thương. Tôi đi bán mà lòng thấp thỏm, ngày nào cũng vội bán để nhanh về với vợ” - ông Năng bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu bà Lan bị mù.

Trong những năm tháng đáng sợ ấy, bà cảm nhận được sự lạc lõng khi tờ mờ sáng ông đã ra khỏi nhà và cô đơn đến tột cùng khi không có người thân nào bên cạnh. Ông nói, từ ngày mất đi đôi mắt, bà bị ám ảnh về bệnh viện. Bản thân ông mắt cũng yếu nhưng sợ bị giống bà nên cũng chẳng dám đi khám, “tới đâu hay tới đó”. Ông bà sợ vì không có tiền.

Từ ngày bà bị mù, gánh nặng đè lên vai ông khi vừa kiếm tiền vừa làm hết mọi việc trong nhà. Tuổi già sức yếu, đôi chân đau nhức nhưng ông không dám đi khám cũng không nghỉ bán ngày nào. Hàng ngày, ông một mình đạp xe đi bán vé số, lời được vài chục ngàn đồng, vừa đủ chi tiêu và thuốc men cho bà.

Thương chồng cực khổ kiếm tiền và chăm sóc mình nên dù có đau buồn mấy bà cũng nén chặt. Còn ông, sợ bà lo lắng nhiều lại đổ bệnh nên những ngày trái gió trở trời, ông lẳng lặng đi mua thuốc về bóp chân, tay. Cảm nhận hết những gắng gượng của ông, bà nghẹn ngào: “Sống với nhau hơn 40 năm mà tui không sinh được cho ông đứa con để nương nhờ tuổi già, bây giờ lại thành gánh nặng”. Những lúc này, dù rất đau lòng và mệt mỏi về thể xác nhưng ông vẫn trấn an bà rằng đôi chân ông chỉ ngắn bớt đi chứ đâu có cụt hết, rằng ông tra chân giả vào là có thể đi khắp nơi bán vé số, dư sức nuôi bà.

Mùa mưa, có những ngày ông không đi bán được, vợ chồng già lại chia nhau chén cơm với bát nước mắm, tô mì. Gần đây, địa phương và nhiều nhà hảo tâm biết hoàn cảnh của ông bà nên ghé thăm hỗ trợ tiền, quà. Tuy vậy, ông vẫn đi bán vé số mỗi ngày vì sợ mai này cả hai đổ bệnh lại phiền hàng xóm.

Nhìn tấm hình ngày xưa cả hai cùng đi bán báo dạo, ông cười thật hiền: “Bà ấy đã dành cả cuộc đời để cùng tôi đi qua rất nhiều khó khăn. Giờ tôi là nguồn “ánh sáng” duy nhất của bà ấy, đó không chỉ là tình yêu mà còn là sự biết ơn của tình nghĩa vợ chồng”.

Kim Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI