Hàng ngàn người Indonesia bị dụ dỗ làm "việc nhẹ lương cao" phải sống cảnh nô lệ

11/12/2024 - 20:36

PNO - Hàng ngàn người Indonesia đã bị dụ dỗ ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao" để rồi rơi vào tay những kẻ lừa đảo xuyên quốc gia.

Hàng ngàn người Indonesia đã bị dụ dỗ ra nước ngoài để tìm kiếm công việc lương cao hơn, nhưng cuối cùng lại rơi vào tay những kẻ lừa đảo xuyên quốc gia. ẢNH: AFP
Đi tìm "miền đất hứa", hàng ngàn người Indonesia bị dụ dỗ làm việc cho các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh: AFP

Khi nghe nói có công việc tốt, thu nhập cao ở Campuchia, anh Budi 26 tuổi, người bán trái cây trên đường phố Indonesia, quyết định bỏ quê đi tìm miền đất hứa. Khi đến Campuchia, anh bị giam giữ trong một khu phức hợp được canh gác nghiêm ngặt và phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến.

“Tôi được yêu cầu đọc kịch bản và làm theo. Hóa ra chúng tôi được yêu cầu làm kẻ lừa đảo” - Budi kể.

Anh phải làm việc 14 giờ mỗi ngày tại công trường được bao quanh bởi hàng rào thép gai và được tuần tra bởi lính canh có vũ trang.

Sau 6 tuần, anh nhận được 390 USD chứ không phải là 800 USD như "nhà tuyển dụng" đã hứa.

Những năm gần đây, hàng ngàn người Indonesia đã bị dụ dỗ đến các quốc gia Đông Nam Á khác để tìm công việc có mức lương cao hơn, để rồi rơi vào tay những kẻ lừa đảo xuyên quốc gia.

Nhiều người đã được giải cứu và hồi hương, nhưng hàng trăm người vẫn đang bị kẹt lại.

Chị Nanda (46 tuổi), nhân viên quầy hàng thực phẩm cho biết, chồng chị đã đến Thái Lan vào giữa năm 2022 sau khi công ty của anh phá sản. Anh hy vọng nắm bắt cơ hội kiếm được 20 triệu rupiah (1.100 USD) một tháng.

Khi đến Bangkok, rồi sau đó đến Myanmar, anh bị ép làm việc tại một tổ chức lừa đảo trực tuyến, phải làm việc theo ca hơn 15 giờ, phải đối mặt với hình phạt và lăng mạ vì ngủ quên trong giờ làm việc.

“Anh ấy kể cho tôi nghe những gì anh ấy đã trải qua, anh ấy bị điện giật và bị đánh đập” - Nanda kể - chị cho biết chồng chị đã bị bán và chuyển đến đường dây lừa đảo khác vào đầu năm 2024.

Giống như Budi, chồng của Nanda chỉ kể sơ về những gì anh phải chịu đựng qua điện thoại. Những cuộc điện thoại này đều bị giám sát.

Những thông tin liên lạc lén lút, đôi khi bằng những từ ngữ mã hóa ngắn gọn, thường là manh mối duy nhất giúp chính quyền xác định vị trí các khu phức hợp lừa đảo để giải cứu nạn nhân.

Hai phụ nữ Indonesia kể lại chuyện chồng họ bị dụ làm việc cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Myanmar và Campuchia. ẢNH: AFP
2 phụ nữ Indonesia kể lại chuyện chồng họ bị dụ dỗ làm việc cho các tổ chức lừa đảo trực tuyến ở Myanmar và Campuchia - Ảnh: AFP

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, từ năm 2020 đến tháng 9/2024, Jakarta đã hồi hương hơn 4.700 người Indonesia vướng vào các tổ chức hoạt động lừa đảo trực tuyến từ Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan...

Giám đốc bảo vệ công dân Bộ Ngoại giao Judha Nugraha cho biết, chính phủ đã xác định được ít nhất 90 người Indonesia vẫn còn mắc kẹt trong các đường dây lừa đảo ở Myanmar và con số thực tế có thể cao hơn.

Các quan chức Liên hiệp quốc cho biết, những người bị mắc bẫy bởi các tổ chức lừa đảo đang phải sống trong “địa ngục trần gian”.

Bà Hanindha Kristy, đến từ tổ chức phi chính phủ Beranda Migran, nơi thường xuyên nhận được lời kêu cứu từ những người Indonesia bị lừa đảo, cho biết các nạn nhân hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống sót trong cảnh khốn cùng.

“Có một hoạt động nô lệ hiện đại ở đây, nơi họ bị tuyển dụng, bị lừa để trở thành kẻ lừa đảo” - bà nói.

Budi cho biết, làm được hơn 1 năm, anh đã trốn thoát sau khi bị chuyển đến đường dây lừa đảo khác ở thị trấn biên giới Poipet của Campuchia. Budi nói anh vẫn bị giày vò bởi cảm giác tội lỗi vì hành vi lừa đảo mà anh buộc phải thực hiện: “Cảm giác tội lỗi sẽ theo tôi suốt đời, vì chúng tôi đã tiếp tay tước đi những tài sản hợp pháp của mọi người. Mỗi khi nghĩ đến, giống như có thứ gì đó mắc kẹt trong tim tôi vậy".

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI