Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển quyền lực mềm từ văn hóa - du lịch

25/05/2025 - 10:41

PNO - Hàn Quốc vừa công bố một sáng kiến đặc biệt nhằm đưa hình ảnh quốc gia đến gần hơn với công chúng quốc tế: mời các nhà sáng tạo nội dung nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc trải nghiệm, sáng tạo và quảng bá di sản UNESCO của đất nước.

Đây không chỉ là hoạt động quảng bá du lịch đơn thuần, mà còn là chiến lược bài bản để gia tăng sức ảnh hưởng quốc tế thông qua “quyền lực mềm” từ văn hóa - di sản.

Theo thông báo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc ngày 23/5, chương trình Unlock Korea’s Treasures sẽ được tổ chức từ tháng Sáu đến tháng Mười một, mời gọi các nhà sáng tạo nội dung quốc tế tham gia 5 hành trình khám phá di sản trên khắp Hàn Quốc. Qua những chuyến đi này, họ sẽ tiếp cận cả di sản vật thể và phi vật thể, từ các học viện Nho giáo cổ kính đến những phong tục tập quán dân gian, sau đó họ sẽ kể lại câu chuyện văn hóa Hàn Quốc bằng ngôn ngữ và công cụ hiện đại.

Làng văn hóa Gamcheon ở Busan, ban đầu là nơi định cư của những người tị nạn trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đã được chuyển đổi thành một điểm thu hút khách du lịch sôi động sau khi sinh viên, nghệ sĩ và cư dân trang trí khu vực này như một phần của Dự án nghệ thuật làng vào năm 2009. Ảnh: Tổ chức du lịch Busan
Làng văn hóa Gamcheon ở Busan, ban đầu là nơi định cư của những người tị nạn trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đã được chuyển đổi thành điểm thu hút khách du lịch sôi động sau khi sinh viên, nghệ sĩ và cư dân trang trí khu vực này như một phần của Dự án nghệ thuật vào năm 2009 - Ảnh: Tổ chức du lịch Busan

“Ngay cả những người nước ngoài sống lâu năm tại Hàn Quốc đôi khi cũng không có cơ hội tiếp cận sâu sắc với lịch sử, văn hóa bản địa. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp họ trở thành đại sứ văn hóa, chia sẻ trải nghiệm với thế giới theo cách gần gũi, sáng tạo nhất” - đại diện Bộ Văn hóa chia sẻ.

Chiến lược quảng bá bằng người thật, việc thật, cảm xúc thật đang chứng minh hiệu quả trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh không chỉ về kinh tế mà còn về tầm ảnh hưởng văn hóa. Việc tận dụng chính cộng đồng người nước ngoài, những người đã gắn bó với Hàn Quốc, để kể lại câu chuyện di sản là một cách làm thông minh, khi tiếng nói của họ thường có sức thuyết phục và lan tỏa cao trong không gian số toàn cầu.

Hiện Hàn Quốc có 16 di sản thế giới được UNESCO công nhận, 23 di sản văn hóa phi vật thể và 20 mục trong chương trình Ký ức Thế giới. Mỗi điểm đến trong chương trình đều được lựa chọn kỹ để làm nổi bật các giá trị này: từ Museong Seowon (học viện Nho giáo thời Joseon) đến làng văn hóa Gamcheon, mô hình tái sinh đô thị từ di sản cộng đồng, hay nhật ký chiến tranh Nanjung Ilgi của danh tướng Yi Sun-sin, biểu tượng lòng yêu nước và tinh thần tự cường.

Ngoài việc trải nghiệm, người tham gia còn được hỗ trợ ghi hình, sản xuất nội dung để lan tỏa trên các nền tảng như YouTube Korea.net. Đây là một phần trong hệ sinh thái quảng bá văn hóa số mà Hàn Quốc đang đầu tư mạnh, từ K-pop, K-drama đến du lịch di sản.

Chiến lược này cũng cho thấy sự chuyển dịch của Hàn Quốc từ việc “giới thiệu” văn hóa sang việc “kích hoạt” văn hóa bằng công nghệ số và cộng đồng quốc tế. Văn hóa không còn là bảo tàng cần được ngắm nhìn, mà là chất liệu sống động để mỗi người có thể trải nghiệm, đồng sáng tạo và chia sẻ.

Anh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI