Tìm lại dấu tích Sài Gòn xưa từ gốm Nam bộ

24/05/2025 - 11:19

PNO - Chuỗi sự kiện triển lãm và trò chuyện về chủ đề "Gốm Nam Bộ - Dấu ấn trăm năm" diễn ra từ ngày 24 - 31/5, tại Đường sách TPHCM.

Gốm Nam bộ - Dấu ấn trăm năm là chủ đề chuỗi sự kiện triển lãm và trò chuyện với các tác giả, nhà nghiên cứu về gốm Nam bộ – do Thư viện số Nguyễn An Ninh tổ chức. Hoạt động diễn ra từ nay đến ngày 31/5 tại Đường sách TPHCM (hình thức giao lưu trực tiếp) và tại fanpage Thư viện Nguyễn An Ninh – Chuyên đề Nam bộ (livestream).

Sáng ngày 24/5, sự kiện đầu tiên đã diễn ra với chủ đề: Di tích khảo cổ và dấu ấn gốm Sài Gòn trong dòng chảy lịch sử, diễn giả là Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu. Nhiều thông tin thú vị về lò gốm Hưng Lợi (quận 8) cũng như những giá trị có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa từ gốm Nam bộ được chia sẻ cùng bạn đọc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Gốm Nam bộ thường được trang trí nhiều hoa văn, với màu xanh đồng, xanh lam; theo các chủ đề về lịch sử và cả hiện đại...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (trái): "Gốm Nam bộ thường được trang trí nhiều hoa văn, với màu xanh đồng, xanh lam...; hình ảnh trên thân gốm được chạm khắc theo các chủ đề về lịch sử và cả hiện đại..."

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là một trong những nhà nghiên cứu trực tiếp có mặt tại các cuộc khai quật khảo cổ lò gốm Hưng Lợi (năm 1998). Từ những mảnh gốm vỡ và di tích lò gốm còn sót lại, các nhà nghiên cứu đã phục dựng quá trình chế tạo gốm Sài Gòn cũng như nhận diện những đặc điểm, kỹ thuật, nguồn nguyên liệu, chất liệu trang trí mỹ thuật… trên gốm xưa.

Trong các sự kiện tiếp theo, vẻ đẹp của gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu, làng nghề gốm Vĩnh Long… sẽ được các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nhà sưu tập Nguyễn Phúc Tiến, họa sĩ Lê Triều Điển...chia sẻ đến công chúng.

"Theo bước chân di dân vào vùng đất mới, nghề gốm Nam Bộ có thể được tính từ khi cư dân Việt ở miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp từ thế kỷ XVII, sau đó là một bộ phận người Hoa ở Nam Trung Quốc.

Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, những người thợ thủ công đã cung cấp hàng triệu sản phẩm quan trọng cho cuộc sống như các loại gốm dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trong kiến trúc xây dựng/trang trí, trong tôn giáo, kỹ thuật; đóng góp nhiều giá trị quan trọng cho văn hóa, mỹ thuật và kinh tế của vùng đất Nam Bộ" - Trích tư liệu trưng bày từ chuyên đề Gốm Nam bộ - Dấu ấn trăm năm.

Hình ảnh lò gốm xưa ở Sài Gòn. Ảnh từ tư liệu được trưng bày.
Hình ảnh lò gốm xưa ở Sài Gòn. Ảnh từ tư liệu được trưng bày.

Dịp này, triển lãm chuyên đề Gốm Nam bộ - Dấu ấn trăm năm cũng được trưng bày tại Đường sách TPHCM, với nhiều hình ảnh và tư liệu về gốm Sài Gòn, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu, gốm Cây Mai, gốm Vĩnh Long, gốm An Giang…

Bạn đọc quan tâm còn có thể tham gia trải nghiệm làm gốm tại sân khấu B – Đường sách TPHCM (từ nay đến hết ngày 31/5).

Hàn Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI