Chưa bao giờ ngừng sức hút
Câu chuyện trong bộ phim hoạt hình Dế Mèn - Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội (đạo diễn Mai Phương) lấy cảm hứng từ tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Đoạn trailer giới thiệu phim vừa mở đầu đã hấp dẫn với lời giới thiệu: “Chào mừng các bạn côn trùng từ phương xa đến với thành phố của đại vương Ếch Cốm!”. Dế Mèn cùng những người bạn ngỡ được chào đón nồng hậu nhưng ngay sau đó đã bị Tổng Cóc tấn công, bắt nhốt để làm thức ăn cho đại vương. Bằng tinh thần quả cảm, sự đoàn kết, các loài cùng nhau chiến đấu chống lại những âm mưu đen tối…
 |
Hình ảnh trong phim hoạt hình Dế Mèn - Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội |
Trailer còn cho thấy Dế Mèn tranh tài với Xén Tóc và một trận đại chiến của muôn loài diễn ra ngoài cổng thành… Xuất hiện trong câu chuyện còn có Dế Trũi, Bọ Ngựa, Ong, Bướm… Đội ngũ sản xuất phim với phần lớn là sinh viên Trường đại học Công nghệ và Truyền thông Thái Nguyên (ICTU), trước mắt đã cho thấy khả năng sáng tạo cả về nội dung lẫn phần đồ họa. Thế giới loài vật trong phim đầy màu sắc cùng âm nhạc sống động và lời thoại khá hài hước. Dế Mèn - Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội hứa hẹn sẽ là bộ phim hoạt hình thuần Việt đáng được mong chờ cho những ai yêu mến nhân vật Dế Mèn.
Suốt hơn 8 thập niên qua, Dế Mèn phiêu lưu ký chưa bao giờ ngừng sức hút. Từ tác phẩm ban đầu có tiêu đề Con dế mèn (gồm 3 chương truyện, được Nhà xuất bản Tân Dân phát hành năm 1941), nhà văn Tô Hoài đã sáng tác thêm 7 chương còn lại nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc bấy giờ. Năm 1955, ông gộp 2 phần truyện thành Dế Mèn phiêu lưu ký và tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay.
Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn cùng bạn Dế Trũi đã trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ bao thế hệ. Tinh thần chiến đấu vì chính nghĩa, “muôn loài cùng nhau kết nghĩa” - lời hịch cổ động của Dế Mèn trong tác phẩm - nay một lần nữa được thể hiện trong phim hoạt hình, với một cuộc chiến mới nơi thành phố.
Chú Dế Mèn nhỏ bé từ vùng đất Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch - quê hương nhà văn Tô Hoài và cũng là bối cảnh tạo cảm hứng cho ông viết tác phẩm - đã đi một hành trình rất xa. Đến nay, Dế Mèn phiêu lưu ký đã được tái bản hàng chục lần, “chu du” qua hơn 40 quốc gia, trở thành tác phẩm kinh điển và được xem là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên, quan trọng nhất của Việt Nam. Phim hoạt hình với những sáng tạo của những người trẻ kỳ vọng sẽ góp thêm làn gió mới đầy sức sống cho tác phẩm.
Chắp cánh cho truyện đồng thoại
Nhà văn Tô Hoài đã viết hàng chục tác phẩm nhiều thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký…) và một số truyện thiếu nhi: Chim chích lạc rừng, Võ sĩ Bọ Ngựa, Hai con ngỗng, Vện ơi Vện… Tuy nhiên, Dế Mèn phiêu lưu ký - truyện dài đầu tiên - đã trở thành tác phẩm để đời của ông. Đây cũng là tác phẩm ghi dấu ấn đầu tiên cho truyện đồng thoại.
 |
Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký đã được chuyển ngữ và phát hành ở hơn 40 quốc gia |
Đồng thoại là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi, tác phẩm thường khai thác nhân vật loài vật và đồ vật. Nhân vật Dế Mèn đã đi vào trang sách từ chính tuổi thơ thường chơi trò đá dế của nhà văn Tô Hoài. Ông không chỉ tạo ra một kiệt tác cho văn học thiếu nhi mà còn truyền cảm hứng, khai mở hướng sáng tác mới cho văn học thiếu nhi trong thế kỷ XX.
Sức ảnh hưởng của Dế Mèn phiêu lưu ký đã khích lệ cho những sáng tác mới ra đời. Các tác phẩm truyện đồng thoại nổi bật hàng thập niên sau đó có: Ngày tết của trâu xe, Sáo sậu và đàn trâu, Anh cút lủi… (Võ Quảng), Bê và Sáo, Chú sẻ con và bông hoa Bằng Lăng… (Phạm Hổ), Cái tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi), Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam)…
Văn học thiếu nhi đến nay đã được tiếp nối nhiều thế hệ, với rất nhiều tác phẩm thể loại đồng thoại được ra đời. Những tên tuổi nhà văn tài danh viết cho tuổi thơ qua hàng thập niên có thể kể đến: Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến…; đạt thành tựu từ các giải thưởng văn chương thời gian qua có các nhà văn: Lê Đức Dương, Nguyễn Khắc Cường, Trần Gia Bảo, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng… Hàng loạt tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Kim Đồng (giai đoạn 2023-2025) cũng như nhiều tác phẩm được trao các giải thưởng văn học thiếu nhi những năm qua đều thuộc thể loại truyện đồng thoại.
Thế giới muôn loài phát triển đa dạng, đầy màu sắc trong những trang viết. Từ cánh đồng quê hương với những sinh vật gần gũi quen thuộc đến những bối cảnh có “rừng vàng, biển bạc”, những cuộc phiêu lưu kỳ thú, những hành trình không tưởng… Những câu chuyện đặc sắc, muôn màu muôn vẻ trong các truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi cũng là kho tàng chất liệu đặc sắc cho phim hoạt hình. Sau hơn 80 năm, chú Dế Mèn nhỏ bé lần đầu tiên bước lên màn ảnh rộng, hứa hẹn sẽ mở ra một kỳ vọng mới, một niềm cảm hứng mới cho phim hoạt hình thuần Việt - khai thác, lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học thiếu nhi của Việt Nam.
Lục Diệp