Gửi con giọt nước mắt trong lành

07/05/2017 - 11:20

PNO - Biết bao nhiêu lần nước mắt con rơi khi đọc sách, và thế giới vẫn còn nhiều cuốn sách buồn như thế và hơn thế.

Từ khi con biết đọc, dì đã không cản con lấy trên kệ những cuốn sách mà biết là khi đọc xong, trong con sẽ là nỗi buồn, sự hụt hẫng hay cảm giác mất mát. Nhiều lần dì thấy con rơi nước mắt khi đọc. Cũng may là con không sợ những cuốn sách buồn, và đến giờ, khi đã là chàng trai học lớp 7, con vẫn đọc.

Gui con giot nuoc mat trong lanh
 

Dì nhớ con đã thích thú như thế nào với cuốn Chuyện nhỏ trong thế giới lớn. Trong đó, con mê nhất là những cuộc chiến và dấu chân chinh phạt của các nhân vật lừng lẫy mà tác giả E.H.Gombrich đã kể. Nhưng rồi, con lại rớt nước mắt khi đọc những cuốn sách khác như Cậu bé mang pyjama sọc (John Boyne), Con của Noé Eric (Emmanuel Schmitt), gần đây nhất là cuốn Kẻ trộm sách (Markus Zusak)…

Con đã nín thở khi đọc cuốn Cậu bé mang pyjama sọc tới đoạn Bruno mặc bộ pyjama sọc để cùng với Shmuel đi tìm cha, hai chàng trai bé nhỏ đi lạc vào dòng người Do Thái trong trại tập trung và hình ảnh trong buồng hơi ngạt, Bruno vẫn nắm lấy tay Shmuel không rời, nước mắt đã làm vỡ òa cái tức tối trong lồng ngực non nớt của con. 

Gui con giot nuoc mat trong lanh
 

Con cũng đã khóc khi đọc tới đoạn cậu bé Joseph gặp lại bố mẹ ở tu viện của cha Pons trong cuốn Con của Noé Eric. Trong Kẻ trộm sách cũng vậy, con bảo rằng con ngộp thở nhiều lần cùng chàng thanh niên người Do Thái được một gia đình tốt bụng giấu dưới tầng hầm.

Và con đã khóc khi đọc đến đoạn cô bé Liesel trong tay cầm cuốn sách, xung quanh cô bé là những xác chết. Từ những cuốn sách này, con đã lên mạng tìm đọc rất nhiều tài liệu về người Do Thái để trả lời câu hỏi: dân tộc đó đã mắc phải lời nguyền gì mà bị đàn áp và phải sống trôi dạt trong ngần ấy năm? Con ghét chiến tranh, không còn mơ mình trở thành một vị anh hùng đặt dấu chân trên các chiến trường đẫm máu và con đặt câu hỏi cho bao nhiêu điều phi lý trên cuộc đời này.

Những cuốn sách khác, không về chiến tranh, nhưng cũng làm con rơi nước mắt như Chiến binh cầu vồng (Andrea Hirata), Khu vườn mùa hạ (Kazumi Yumoto),  Người đua diều (Khaled Hosseini)… Con thương những bạn nhỏ mang ước mơ được học hành trong cuốn Chiến binh cầu vồng. Khi ngôi trường Muhammadiyah sụp đổ thì những giấc mơ của các cô cậu Lintang, Ikal, A Kiong, Sahara... cũng tan tành, và con lại khóc.

Dì nhớ con đọc cuốn Khu vườn mùa hạ lúc con nhỏ lắm, lớp 2, 3 gì đấy, con đã không kềm được nước mắt khi ông cụ -  người bạn lớn của ba cậu nhỏ Wakabi, Yamashita, Kiyama - ra đi vĩnh viễn. Còn với cuốn Người đua diều thì sao? Cả cuốn sách là một bầu không khí buồn, nhưng chính đoạn kể cha con Hassan bỏ đi vì bị buộc tội ăn cắp đã lấy nước mắt của con.

Gui con giot nuoc mat trong lanh
 

Biết bao nhiêu lần nước mắt con rơi khi đọc sách, và thế giới vẫn còn nhiều cuốn sách buồn như thế và hơn thế. Những cuốn sách đó đem lại cho con những nỗi buồn, nhưng rồi con sẽ biết đó là những nỗi buồn trong trẻo cần thiết trong cuộc đời. Những giọt nước mắt giúp ta lớn lên lương thiện chứ không có tác hại.

Chị gái con hồi còn nhỏ cũng đọc và cũng khóc vì những cuốn sách ấy, rồi chị đã lớn lên cùng những người bạn trong sách như những kỷ niệm đẹp.

Con rồi cũng sẽ vậy, lớn lên, và có thể con sẽ quên hết sự khốc liệt trong các cuộc chiến, sự nghèo khó của một ngôi làng, nhưng con sẽ vẫn nhớ những người bạn trên khắp thế giới ấy cùng với trò chơi thám tử của ba cậu bé trong Khu vườn mùa hạ, trò chơi đua diều của Hassan và Amir trong Người đua diều, những lần chơi cờ của hai cậu bé ở hai phía hàng rào kẽm gai trong Cậu bé mang pyjama sọc…

Thế giới vẫn sẽ tiếp tục xảy ra những điều nghiệt ngã mà dù đọc bao nhiêu sách con không thể lý giải nổi, nhưng mặc tất cả, hình ảnh những người bạn nhỏ trong các trang sách kia cùng với những nỗi buồn hiền dịu của họ và của con sẽ được con cất giữ ở nơi tốt đẹp nhất của trái tim mình. 

Ngọc Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI