Góp sức cảm hóa người lầm lỗi

09/01/2015 - 16:03

PNO - PN - Với tinh thần chủ động và cách làm sáng tạo, Hội LHPN Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã vận động nhiều chủ kinh doanh, nữ tiếp viên (NTV) chuyển đổi ngành nghề, góp phần cùng chính quyền địa phương “xóa sổ” các dịch vụ nhạy cảm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Như người mẹ thứ hai

Với lợi thế là cán bộ Hội nhiều năm công tác trong lĩnh vực phòng chống mại dâm, dì Nguyễn Thị Thùy Trang (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.1, P.26, Q.Bình Thạnh) từng cảm hóa thành công nhiều đối tượng NTV.

Phường 26 tập trung rất đông dân nhập cư, dọc các tuyến đường như Đinh Bộ Lĩnh, Bùi Đình Túy; một dạo nhiều tụ điểm hớt tóc, mát-xa “nở rộ” gây bất an cho người dân. Trước thực trạng đó, dì Trang cùng nhiều chị em trong Hội “ra quân” tìm đến những nơi có cơ sở kinh doanh nhạy cảm để truyền thông, phát tờ rơi, phát bao cao su; vận động chị em phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, xét nghiệm máu định kỳ…

Nhưng, “cuộc chiến” vừa bắt đầu đã gặp thất bại do nhiều chủ kinh doanh không hợp tác, ngăn cản cán bộ Hội tiếp xúc với NTV. Điều này làm dì Trang trăn trở nhiều, “phải chịu khó đi đường vòng mới mong thành công” - dì nghĩ. Bằng cách “đánh lẻ”, cứ cách tuần, canh lúc tiệm vắng khách, dì Trang lỉnh kỉnh mang túi bánh, trái cây, sách báo… đến làm quen với NTV.

Dì nói: “Đến đó ngồi chơi, nói chuyện với các em mới hiểu về từng hoàn cảnh, cuộc sống gia đình. Trước mắt là tạo mối quan hệ gần gũi, để việc vận động, giúp đỡ các em thuận lợi hơn, lâu ngày dì cháu có tình cảm, khi đó mình mới “đi sâu” vào công việc chúng đang làm”.

Nhớ lại nhiều trường hợp đã tiếp cận, dì cảm thông: “Vì hoàn cảnh, nhiều cháu chỉ mới 15, 16 tuổi phải bỏ học kiếm tiền. Bên cạnh đó, các cháu không được người lớn chỉ dạy nên chọn sai đường là lẽ dĩ nhiên”.

Như một người mẹ thứ hai, dì Trang tận tình chia sẻ; từng bước phân tích phải, trái, vẽ ra nhiều hướng đi mới cho các NTV chọn lựa. Một mặt dì khuyên các em chuyển việc, mặt khác nhắc nhở các em nâng cao ý thức sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe. Cứ mỗi định kỳ ba tháng, Hội Phụ nữ quận phối hợp với Trung tâm Ánh Dương tổ chức khám sức khỏe, xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí cho các đối tượng NTV trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Bỉ (công tác tại Trung tâm Ánh Dương) chia sẻ: “Tâm lý nhiều em lo sợ sẽ phát hiện bệnh nên không chịu khám. Vì vậy, việc trấn an, theo sát hỗ trợ các em là điều rất cần thiết. Đã có nhiều em nghỉ việc, theo học các lớp đào tạo về cắt tóc, pha chế thức uống… tại các trung tâm dạy nghề do quận hội tổ chức”.

Gop suc cam hoa nguoi lam loi

Nữ tiếp viên tại một cơ sở cắt tóc trên địa bàn quận được Hội PN vận động khám sức khỏe định kỳ

Sức mạnh tập thể

Dù không phải là “điểm nóng” tập trung nhiều cơ sở kinh doanh nhạy cảm như các phường khác, nhưng P.15, Q.Bình Thạnh là nơi có nhiều nhà hàng, quán nhậu, có không ít NTV. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN P.15 cho biết: “Chúng tôi kiểm tra thường xuyên và bất ngờ; từ đó lên danh sách các đối tượng là NTV hiện đang tạm trú ở địa phương, nếu thấy trường hợp nào có nguy cơ cao, Hội sẽ cử cán bộ quan tâm, theo dõi để vận động thay đổi”.

“Không chỉ NTV, nhiều học sinh, sinh viên hiện đang làm công việc phục vụ ở các quán ăn, quán nhậu cũng là đối tượng Hội cần lưu ý nhiều”, dì Trần Thị Sương (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.2, P.15) băn khoăn: “Nhiều hôm tụi nhỏ trong xóm đi làm về khoe được khách nam “boa” hậu hĩnh; trong lòng dì cảm thấy bất an, sợ tụi nhỏ chưa hiểu chuyện mà vướng vào tệ nạn”. Vì thế, dì luôn chủ động hỏi han từng đứa, xem có khó khăn gì cần giúp; rồi thủ thỉ với chúng đề cao cảnh giác.

Với cách làm việc mềm dẻo, linh hoạt, dì Đào Thị Kim Nhung (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.4, P.15) được biết là “khắc tinh” của nhiều phụ nữ hành nghề mại dâm. Dạo trước, ở khu phố có người lạ đến tạm trú; đôi mắt “nhà nghề” của dì Nhung biết đây là đối tượng khả nghi. Qua nhiều ngày quan sát, dì thấy các chị thường đứng “chào khách” tại các “điểm nóng”. Tìm hiểu, hỏi chuyện mới biết, nhiều chị chấp nhận làm nghề vì phải nuôi con nhỏ, nặng gánh gia đình… Được cán bộ Phường Hội tư vấn, hứa sẽ hỗ trợ tìm việc làm, nhiều chị phấn khởi, quyết tâm tìm hướng đi sáng sủa hơn.

Bà Phan Thị Liên, Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Thạnh cho biết, trong năm 2013-2014, Hội LHPN quận phối hợp với các cấp chính quyền tập trung kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Kết quả, đã có 134 cơ sở nghỉ kinh doanh hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh. Từ đó đến nay, công tác tuyên truyền, vận động được tiếp tục đẩy mạnh nhằm ngăn chặn tái phát các tụ điểm kinh doanh trên, góp phần thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

 VIỆT PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI