Giữ con ở Việt Nam hay cho du học tiếp khi hết dịch?

21/02/2021 - 13:45

PNO - Tôi cảm kích trước những ông bố, bà mẹ đã hi sinh tiền của đầu tư để giữ con bên mình giữa lúc dịch bệnh.

Đọc tin tức về trận bão tuyết kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử tại bang Texas (Mỹ) những ngày vừa qua, tôi nhắn tin hỏi thăm anh bạn có con du học ở thành phố Houston (bang Texas).

Anh cho biết con anh đã về nước theo chuyến bay giải cứu của Chính phủ từ giữa năm 2020 do dịch COVID-19 bùng phát ở giai đoạn cao điểm.

Bạn bảo, cũng may con đã về và đang học online, chứ nếu còn ở bên đó, không biết con sẽ đối phó ra sao trong tình trạng mất điện, nước trong thời gian dài, các dịch vụ công cộng cơ bản đều ngưng phục vụ trong lúc thời tiết lạnh vô cùng khắc nghiệt.

Du học sinh nhiều nước châu Á đã kẹt lại các quốc gia căng thẳng bởi COVID-19 - Ảnh minh hoạ
Du học sinh nhiều nước châu Á đã kẹt lại các quốc gia căng thẳng vì COVID-19 - Ảnh minh hoạ

Tôi hỏi anh có định cho con trở lại Mỹ sau khi tình hình dịch tạm ổn không, thì anh nói vẫn chưa thống nhất được với vợ về giải pháp cho việc học của con sau này. Con anh xin ba mẹ cho ở lại Việt Nam, không muốn tiếp tục sang Mỹ học, vì ở Mỹ, cậu bé phải thuê nhà trọ, không người thân thích.

Anh chia sẻ, cũng vì việc này mà vợ chồng anh căng thẳng mấy tháng nay. Anh muốn con trở lại Mỹ sau dịch, trong khi vợ anh không muốn xa con sau khi thấy sự bất an của nhiều du học sinh trong cơn đại dịch. Nay chứng kiến người Mỹ thêm lần nữa chới với, hoảng loạn giữa cơn bão tuyết với những điều tồi tệ chưa từng thấy được phơi bày, vợ anh càng xót con, thắt ruột khi tưởng tượng cảnh thằng bé một mình chống chọi với các thử thách trên đất khách.

Anh không đồng tình với vợ con, vì nếu con ở lại Việt Nam, việc học dang dở, đứt đoạn, chưa kể con trai mà ngại khổ thì sau này ra đời sao có thể đối mặt với khó khăn?

Tôi hiểu tâm trạng của anh cũng như vợ anh. Rất nhiều gia đình đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì chỉ trước khi COVID-19 hoành hành, cho con du học vẫn còn là xu hướng phổ biến của gia đình có điều kiện.

Tuy nhiên, đằng sau những trăn trở đáng được cảm thông của bậc cha mẹ về khả năng tự lập, tự xoay sở của con cái khi trưởng thành, tôi còn nhận ra nhiều góc khuất khác. Đó là khi sự sĩ diện của không ít người lấn át hết thảy mọi lo âu cũng như khả năng chịu đựng của con.

Tôi có người quen từng bán hết đất đai "của để dành", thậm chí vay ngân hàng để cho con du học với hy vọng đổi đời, "hi sinh đời bố củng cố đời con". Tôi cũng biết có người làm chức vụ lớn nên muốn con du học cho nở mày nở mặt trên dưới trong ngoài, chưa kể nhiều người nuôi ý định cho con ở lại định cư.

Cũng có người cho con du học chỉ để bằng chị bằng em, dù sức học của bé làng nhàng. Vì những lý do đó, họ không hề muốn con ngưng ngang việc du học.

Cho con học gần hay học xa không chỉ tuỳ thuộc vào khả năng mà còn tùy quan điểm sống cũng như cách thương con của mỗi gia đình (ảnh minh hoạ)
Cho con học gần hay học xa không chỉ tuỳ thuộc vào khả năng mà còn tùy quan điểm sống cũng như cách thương con của mỗi gia đình (ảnh minh hoạ)

Thế nên, tôi cảm kích trước những ông bố, bà mẹ đã gạt mọi thứ, hi sinh tiền của đã đầu tư cho con, dẹp bỏ sĩ diện cá nhân và cả những toan tính cho tương lai để con học trong nước sau khi trở về từ vùng dịch.

Cũng không phải tự nhiên mà làn sóng du học đang có chiều hướng thoái trào như nhiều dịch vụ du học cho biết. Với những bậc phụ huynh này, tài chính của họ tốt đến độ có thể trang bị cho con một cuộc sống tốt nhất trong thời gian du học, với căn hộ tiện nghi, xe cộ đắt tiền hoặc dịch vụ nhà trọ có người đưa đón, chăm sóc con đến tận răng. Nhưng sự thiếu hụt tinh thần và nhu cầu được bù đắp cho con vẫn là điều quan trọng với họ hơn hết thảy.

Khi chất lượng giáo dục trong nước đã và đang được cải thiện cùng với sự tham gia đầu tư của các đơn vị giáo dục đến từ các quốc gia tiên tiến, du học tại chỗ đang là xu hướng được lựa chọn của nhiều gia đình.

Cho con học gần hay học xa không chỉ tuỳ thuộc vào khả năng tài chính mà còn tùy quan điểm sống cũng như cách thương con của mỗi gia đình. "Úm con" quá chưa hẳn là thương con đúng cách, hoặc "đẩy" con ra xa vòng tay ấp ủ của mình cũng chưa hẳn là sai.

Nhưng tôi hoàn toàn đồng tình với giải pháp quyết liệt, dứt khoát của chị bạn - người vừa đưa con về nước cách đây vài tháng: "Cứ đưa con về nhà trước đã em ạ, mọi sự đều có thể làm lại mà. Tiền bạc, cơ hội, học hành... còn có ý nghĩa gì nếu không may có chuyện gì đó xảy đến với bọn trẻ?"

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI