Giải pháp nào cho nỗi lo kép của học sinh cuối cấp?

20/12/2021 - 07:21

PNO - Học sinh lớp 12 của TP. Hà Nội trở lại trường học được hơn 2 tuần thì Hà Nội lại ghi nhận những ca F0 tăng nhanh theo từng ngày. Nhiều gia đình đã xin phép cho con tiếp tục nghỉ học vì nỗi lo dịch bệnh, trong khi nỗi lo về kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ngày một lớn dần.

Sĩ số giảm, lo lắng tăng

Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội) vừa chuyển cấp độ dịch từ “vàng” sang “cam” ngày 18/12. Những lo lắng về dịch bệnh của học sinh, phụ huynh ở quận này đã hiển hiện rất rõ ngay từ ngày đầu học sinh lớp 12 trở lại trường học (6/12). Trường THPT Trần Nhân Tông có 681 học sinh khối 12, ngày trở lại trường, chỉ 33 học sinh có mặt, buổi thứ hai còn 9 em đến trường. Đến ngày học thứ tư, cả trường chỉ còn duy nhất em Lê Minh Đức. Đức đã có những ngày là học sinh duy nhất đến trường học trực tiếp. Riêng trong lớp vốn có sĩ số 46 học sinh của Đức, buổi học đầu tiên có 4 bạn, sang buổi học thứ hai thì 3 bạn kia đã nghỉ.

Nhiều ý kiến cho rằng trở lại trường an toàn vẫn là yếu tố khả thi hơn việc chờ an toàn mới mở cửa trường học
Nhiều ý kiến cho rằng trở lại trường an toàn vẫn là yếu tố khả thi hơn việc chờ an toàn mới mở cửa trường học

Số học sinh đến lớp ngày càng giảm là tình trạng chung của nhiều trường THPT ở Hà Nội. Cũng ở Q.Hai Bà Trưng, Trường THPT Thăng Long có 70 - 80% số học sinh trở lại trường ngày đầu tiên; sau một tuần, số học sinh đến lớp chỉ còn khoảng 50%; sau hai tuần, con số này chỉ còn 30 - 40%. Niềm vui, sự háo hức trong những ngày đầu trở lại trường của các học sinh cũng dần bị thay thế bằng nỗi lo dịch bệnh gia tăng.

Ngày đầu tiên trở lại Trường THPT V.Đ., em T.H. cũng có những tâm trạng đan xen ngoài niềm vui. Song lúc đó, H. chỉ lo lắng việc đến trường là phải đối diện trực tiếp… với thầy cô, lo lắng việc kiểm tra vở, kiểm tra 15 phút. Sau đó, TP.Hà Nội có những ngày tăng mạnh số F0, hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Những lo lắng rất học trò khi đến trường của T.H. đã chuyển dần sang nỗi lo an toàn sức khỏe khi đi học trực tiếp. Bố mẹ của T.H. và nhiều phụ huynh cùng lớp, cùng trường đã quyết định cho con dừng việc đến trường học trực tiếp. 

Chị Nguyệt Hằng (Q.Cầu Giấy) có con gái đang học lớp 12 một trường công. Theo chị, trường của con có cả ngàn học sinh, nên việc các cháu đi học cùng lúc thì sự tập trung tại trường rất lớn. Việc đưa đón con của phụ huynh cũng là một sự tập trung không hề nhỏ. Số ca F0 ở TP.Hà Nội thì ngày một tăng nên chị rất ngại việc cho con đến trường cũng như đưa con tới trường. 

Là cán bộ quản lý, đồng thời cũng là phụ huynh, theo bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền (Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng), lo lắng là tâm lý chung của tất cả mọi người trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Bản thân bà cũng không tránh khỏi lo âu. Bà cho biết, cả con bà cũng như học sinh lớp 12 của Trường THPT Phan Đình Phùng đều rất vui mừng khi được đến trường học trực tiếp, thế nhưng các em cũng chỉ vui vẻ, thoải mái được mấy ngày đầu, sau đó tất cả đều chuyển sang tâm trạng lo lắng.

Mong đến trường an toàn

Ứng phó với dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo linh hoạt trong việc đóng, mở cửa trường học với quy mô nhỏ theo từng trường, từng lớp học. Tại TP.Hà Nội. TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác từ tháng Năm đến nay, đại đa số các em phải học trực tuyến. Học sinh lớp 12 ở những địa phương này mới trở lại trường học trực tiếp được một, hai tuần. Không ít phụ huynh và cả học sinh đều có một lo lắng khác: kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây.

Cảm thấy trì trệ, chán nản khi phải ngồi học trước máy tính, T.H. (Trường THPT V.Đ.) cho biết, nắm 100% kiến thức khi học trực tuyến là điều không thể. Phần kiến thức chưa hiểu, rất khó để em có thể trao đổi với thầy cô. Việc học trực tuyến hai buổi, tự học một buổi mỗi ngày vẫn khiến H. không thấy yên tâm, bởi có những môn, có những buổi em không thể nào tập trung được khi ngồi trước màn hình máy tính. 

Một số giáo viên đánh giá, với nhóm học sinh khá giỏi, có ý thức tự học, việc học trực tuyến cũng chỉ đạt được hiệu quả bằng khoảng 60% so với học trực tiếp; với nhóm học sinh trung bình, tinh thần tự học không cao thì hiệu quả còn thấp hơn rất nhiều. Các thầy cô phải thêm nhiệm vụ hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho nhóm học sinh học lực trung bình này. Nhưng ai cũng lo lắng, làm sao có thể kèm cặp tất cả các em, trong khi vẫn phải đảm bảo kiến thức mới trong từng tiết học. 

Nên cho học sinh trở lại trường học trực tiếp hay tiếp tục học trực tuyến vẫn đang là vấn đề có nhiều ý kiến trái ngược. Như với Trường THPT Trần Nhân Tông, nhà trường đã khảo sát ý kiến phụ huynh trước ngày học sinh lớp 12 trở lại trường, thì chỉ có chín phụ huynh đồng ý. Ở một góc khác, nhiều phụ huynh cho rằng nên cho học sinh đến trường học trực tiếp. Giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, cho rằng nghiên cứu số liệu về các ca mắc mới cho thấy dù không đến trường nhưng tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi dương tính với COVID-19 vẫn tăng trong hai tháng gần đây. Điều này cho thấy vấn đề không phải là ở nhà hay đến trường mà quan trọng là phải có giải pháp để thích ứng an toàn. 

Ông V.K.N., giáo viên và cũng là phụ huynh, nêu rõ lý do khiến bản thân ông và nhiều phụ huynh chưa yên tâm khi con đến trường học trực tiếp là bởi cách thức, quy trình xử lý F0 tại trường học hiện nay vẫn giống như giai đoạn “zero COVID-19”. Ông cho rằng việc cách ly F1 ngay tại lớp học không phù hợp với bối cảnh mới - thích ứng an toàn với dịch bệnh. 

Ông phân tích, trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia mở cửa trường học. Quy trình xử lý việc phát hiện học sinh mắc COVID-19 trong trường học của họ là yêu cầu học sinh, giáo viên trong trường dừng di chuyển, sau đó lấy mẫu xét nghiệm. Trong thời gian chờ kết quả, giáo viên và học sinh vẫn có thể về nhà bình thường.

Nếu các F1 đó có kết quả âm tính hai lần thì sẽ tiếp tục trở lại trường học. Học sinh là F0 được điều trị, theo dõi sức khỏe, đến khi kết quả âm tính trở lại sẽ lại đi học bình thường. Họ không đóng cửa toàn bộ trường học, mà chỉ học sinh, giáo viên nào có liên quan đến ca mắc mới tạm dừng việc đến trường để theo dõi sức khỏe tại nhà. Đồng thời họ cũng không thông báo danh tính học sinh nhiễm bệnh và tạo sự an tâm cho cả phụ huynh và học sinh khi phải đối mặt với dịch bệnh. Do đó, cần có giải pháp ưu tiên trong việc xử trí để làm sao tạo được sự an tâm về tinh thần với cả phụ huynh và học sinh. Và dù sao, trở lại trường an toàn vẫn là yếu tố khả thi hơn việc chờ an toàn mới mở cửa trường học. 

Đề xuất thành lập Trường đại học Lý Tự Trọng TPHCM

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, chấp thuận, có văn bản trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập Trường đại học (ĐH) Lý Tự Trọng TPHCM trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng (CĐ) Lý Tự Trọng TPHCM. Đề án thành lập đã được trường xây dựng từ năm 2017. Trường có trụ sở tại Q.Tân Bình, diện tích hơn 50.000m2 và dự án cơ sở 2 tại H.Củ Chi có diện tích hơn 340.000m2

Theo đó, Trường ĐH Lý Tự Trọng TPHCM sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ, đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Quy mô đào tạo giai đoạn 2022-2027 là 4.800 sinh viên. Khi nâng cấp thành ĐH, trường dự kiến duy trì và phát triển các ngành nghề hiện đang đào tạo như nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, điện - điện tử, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, máy tính, kinh doanh, kế toán - kiểm toán, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, ngôn ngữ - văn học và văn hóa nước ngoài. 

Tờ trình cũng nêu rõ, Trường ĐH Lý Tự Trọng TPHCM là cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng ứng dụng, có nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Mô hình ĐH ứng dụng mà trường hướng tới nhằm tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, có thể tham gia hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làm việc một cách chất lượng nhất ngay sau khi tốt nghiệp, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM. Do đó, việc thành lập Trường ĐH Lý Tự Trọng TP.HCM là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM tiền thân là Trường dạy nghề trung học Lý Tự Trọng, thành lập năm 1986. Năm 1995, trường đổi tên thành Trường trung học nghề Lý Tự Trọng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Năm 1999, trường được chuyển thành Trường trung học Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM. Năm 2005 nâng cấp thành Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM và đổi tên thành Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM vào năm 2017.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc