Giải Nobel Y học 2021 sẽ dành cho các nhà khoa học sản xuất vắc xin COVID-19?

04/10/2021 - 12:54

PNO - Các nhà khoa học sản xuất vắc xin COVID-19 có thể đang chạy đua để giành giải Nobel Y học mặc dù đại dịch còn lâu mới kết thúc.

Một số nhà khoa học cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian: Nếu công trình nghiên cứu phát triển vắc xin không được công nhận khi giải thưởng năm nay (được công bố vào ngày 4/10, giờ địa phương) thì nó sẽ giành được giải thưởng trong nhiều năm tới.

Đã có 5 triệu người chết vì COVID-19 kể từ khi những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được thông báo vào cuối năm 2019. Đến nay, nhiều quốc gia vẫn đang phải phong tỏa nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Nhưng vắc xin COVID-19 đã giúp một số nước giàu có trở lại gần như bình thường vì đã phủ được lượng vắc xin như mong muốn, giúp hàng triệu bệnh nhân thoát cảnh chuyển nặng và tử vong.

Trong số những nhà khoa học tiềm năng có thể đoạt giải Nobel Y học có Katalin Kariko sinh ra ở Hungary và Drew Weissman người Mỹ vì nghiên cứu của họ về vắc xin axit ribonucleic thông tin (mRNA).

Vắc xin mRNA do Moderna và Pfizer cùng đối tác BioNTech của Đức phát triển đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống lại virus. Chúng nhanh chóng được sản xuất và đem lại hiệu quả cao.

 

 Katalin Kariko được xem là ứng viên nặng ký nhất cho giải Nodel y học năm nay
Nữ khoa học gia Katalin Kariko, 66 tuổi được xem là ứng viên nặng ký nhất cho giải Nobel Y học năm nay

Tiến sĩ Ali Mirazami, giáo sư tại Khoa Y học Phòng thí nghiệm tại Viện Karolinska, Thụy Điển cho biết: “Kỹ thuật này sớm muộn gì cũng sẽ nhận được giải thưởng. Câu hỏi là khi nào mà thôi".

Vắc xin mới sử dụng mRNA do phòng thí nghiệm tạo ra để hướng dẫn tế bào tạo ra các protein đột biến của virus SARS-CoV-2, thúc đẩy hệ thống miễn dịch hoạt động mà không cần tái tạo giống như virus thực tế.

MRNA được phát hiện vào năm 1961 nhưng các nhà khoa học đã mất hàng thập kỷ để chỉnh sửa kỹ thuật mRNA khỏi các vấn đề như không ổn định và gây ra các tình trạng viêm khác.

Các nhà phát triển hiện hy vọng nó có thể được sử dụng để điều trị cả ung thư và HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) trong tương lai.

Tiến sĩ Adam Frederik Sander Bertelsen, Phó giáo sư tại Đại học Copenhagen cho biết: “Ngoài thực tế đã được chứng minh là tạo ra phản ứng miễn dịch rất hiệu quả, bạn không cần phải điều chỉnh quá trình sản xuất mỗi khi sản xuất một loại vắc xin mới".

Gám đốc khoa học của công ty vắc xin Adaptvac nói: "Vắc xin thực sự đã cứu được hàng ngàn người".

Tiến sĩ Kariko cùng các đồng nghiệp tại Đại học Pennsylvania đã tạo ra một bước đột phá bằng cách tìm ra cách cung cấp mRNA mà không khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Giải Nobel được thành lập bởi nhà phát minh thuốc nổ Alfred Nobel và được trao cho những thành tựu trong y học, hóa học, văn học, hòa bình và vật lý. Năm nay, danh sách những người chiến thắng, bắt đầu từ ngành y, sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 11/10.

Trọng Trí (theo AP)

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI