G20 cam kết trung lập về khí hậu và tài trợ than

01/11/2021 - 06:44

PNO - Ngày 31/10, G20 đã đồng ý ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở các nước có thu nhập thấp và cam kết tìm kiếm sự trung hòa carbon “vào khoảng giữa thế kỷ”, khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ở Rome.

Thủ tướng Ý Mario Draghi, người chủ trì cuộc họp ở Rome, ca ngợi thỏa thuận cuối cùng, nói rằng lần đầu tiên tất cả các quốc gia G20 đã đồng ý về tầm quan trọng của việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C mà các nhà khoa học cho rằng rất quan trọng để tránh thảm họa.

Từ trái qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, ngày 31/10.
Từ trái qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, ngày 31/10

Mặc dù G20 đã cam kết ngừng cấp vốn cho điện than ở nước ngoài, nhưng họ không đưa ra thời gian cụ thể nào cho việc loại bỏ dần điện than tại quê nhà và lời hứa giảm phát thải khí mêtan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn mạnh hơn CO2.

G20, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Hoa Kỳ, chiếm 60% dân số thế giới và ước tính khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Trong khi Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome là thành công, thì kết quả đạt được lại khiến các nhà hoạt động về khí hậu, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo Vương quốc Anh thất vọng. 

Sau hội nghị tại Rome, Anh sẽ tổ chức hội nghị Glasgow kéo dài hai tuần và dự kiến sẽ tìm kiếm các mục tiêu tham vọng hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi các cam kết của G-20 chỉ là “giọt nước trong một đại dương ấm lên nhanh chóng”. 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đồng ý rằng kết quả đạt được là chưa đủ: “Trong khi tôi hoan nghênh lời đề nghị của G20 đối với các giải pháp toàn cầu, tôi rời Rome với những hy vọng chưa thành - nhưng ít nhất chúng không bị chôn vùi”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đặt năm 2050 là thời hạn cuối cùng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, trong khi Trung Quốc, Nga và Ả Rập Xê-út đang đặt mục tiêu vào năm 2060.

Minh Hương (theo Reuters AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI