G20 giúp đỡ nước nghèo sau dịch COVID-19, Bồ Đào Nha cấm du lịch, Mỹ bất chấp

22/11/2020 - 07:07

PNO - Các nhà lãnh đạo G20 lo ngại rằng đại dịch có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu giữa người giàu và người nghèo.

G20 tìm cách giúp đỡ các nước nghèo hậu COVID-19

Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố sẽ đảm bảo phân phối công bằng vắc-xin, thuốc và xét nghiệm COVID-19 trên toàn thế giới, đồng thời hỗ trợ các nước nghèo hơn đang vật lộn để phục hồi sau sự tấn công của dịch COVID-19.

“Chúng tôi thừa nhận vai trò của tiêm chủng mở rộng như một lợi ích công cộng toàn cầu", các nhà lãnh đạo nói thêm.

Cuộc khủng hoảng về đại dịch và sự phục hồi toàn cầu không đồng đều đã chi phối chủ đề bàn luận trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh dưới sự chủ trì của Saudi Arabia, nước sẽ trao chức chủ tịch luân phiên của G20 cho Ý vào tháng tới.

Các nhà lãnh đạo G20 thảo luận về cách giúp đỡ các nước nghèo phục hồi kinh ết sau đại dịch.
Các nhà lãnh đạo G20 thảo luận về cách giúp đỡ các nước nghèo phục hồi kinh tế sau đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái sâu trong năm nay và những nỗ lực cần thiết để phục hồi vào năm 2021, đã được đề cập trong chương trình nghị sự. Các nhà lãnh đạo G20 lo ngại rằng đại dịch có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu giữa người giàu và người nghèo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị: “Chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá viễn cảnh về một thế giới hai tốc độ, nơi chỉ những người giàu hơn mới có thể tự bảo vệ mình chống lại virus và khởi động lại cuộc sống bình thường".

Để làm được điều đó, Liên minh châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 nhanh chóng đầu tư thêm tiền vào dự án toàn cầu về vắc-xin, xét nghiệm và điều trị - được gọi là Access to COVID-19 Tools Accelerator (ACT).

Thủ tướng Angela Merkel phát biểu Đức đã đóng góp hơn 500 triệu euro (592,65 triệu USD) cho nỗ lực này, đồng thời kêu gọi các nước khác làm phần việc của mình. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị cung cấp vắc-xin Sputnik V của Nga cho các nước khác và cho biết Moscow cũng đang chuẩn bị phát triển vắc-xin thứ hai và thứ ba.

Còn Tổng thống Donald Trump thảo luận về sự cần thiết phải làm việc cùng nhau để khôi phục tăng trưởng kinh tế, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết trong một bản tóm tắt được công bố vào cuối ngày 21/11.

Người Mỹ bất chấp cảnh báo, đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn

Mới đây, Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 12 triệu ca mắc COVID-19 cùng tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng cao kỷ lục. Dẫu vậy, hàng triệu người dân dự kiến vẫn đi du lịch trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn sắp tới, phớt lờ những cảnh báo từ các quan chức y tế về sự lây lan dịch bệnh đáng lo ngại.

Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 255.000 người Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tình hình dịch bệnh tồi tệ gần đây khiến hơn 20 tiểu bang áp dụng các biện pháp hạn chế mới trong tháng này để kiềm chế dịch bệnh.

Mỹ tăng cường xét nghiệm COVID-19 khi kỳ nghỉ lễ đến gần.
Mỹ tăng cường xét nghiệm COVID-19 khi kỳ nghỉ lễ đến gần

Trong ngày 20/11, Hoa Kỳ ghi nhận 196.815 ca nhiễm virus, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Các quan chức y tế cảnh báo làn sóng nhiễm trùng có thể sớm lấn át hệ thống chăm sóc sức khỏe nếu mọi người không tuân theo hướng dẫn cộng đồng, đặc biệt là hạn chế du lịch và các cuộc tụ tập trong lễ Tạ ơn truyền thống.

Bồ Đào Nha cấm du lịch, đóng cửa trường học

Thủ tướng Antonio Costa cho biết Bồ Đào Nha sẽ cấm đi lại trong nước và đóng cửa các trường học trong hai kỳ nghỉ lễ sắp tới nhằm giảm sự lây lan của dịch COVID-19 trước Giáng sinh.

Việc đi lại giữa các thành phố sẽ bị cấm từ 11 giờ đêm ngày 27/11 đến 5 giờ sáng ngày 2/12 và từ 11 giờ đêm ngày 4/12 đến 5 giờ sáng ngày 9/12, để hạn chế việc di chuyển của người dân trong 2 ngày 1/12 và 8/12.

Các trường học sẽ đóng cửa vào ngày 23/11 trước cả hai kỳ nghỉ lễ, các doanh nghiệp được khuyến khích cho người lao động làm việc cách ngày để giảm thiểu hoạt động đi lại.

"Chúng ta tiếp tục có số lượng lớn bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Chúng ta phải kiên trì để ngăn chặn tốc độ tăng trưởng của dịch bệnh, thậm chí còn đảo ngược nó" - Thủ tướng Antonio Costa nói.

Tại Bồ Đào Nha, đeo khẩu trang được xem là biện pháp bắt buộc trong không gian công cộng và nơi làm việc. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm và phong tỏa cuối tuần sau 1 giờ chiều áp dựng rộng rãi ở đây.

Bồ Đào Nha đã báo cáo 62 trường hợp tử vong và 6.472 bệnh nhân nhiễm mới virus trong ngày 21/11, chủ yếu ở khu vực miền bắc đất nước, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 255.970 cùng 3.824 người chết.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI