G20 cam kết giúp 70% dân số thế giới chủng ngừa COVID-19 trước tháng 6/2022

29/10/2021 - 22:36

PNO - Hôm 29/10, các bộ trưởng tài chính và y tế từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) cam kết thực hiện các bước để đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm vắc xin COVID-19 vào giữa năm 2022 và thành lập lực lượng đặc nhiệm để chống lại các đại dịch trong tương lai.

Tuy các nước không thể đạt được thỏa thuận về một cơ sở tài chính riêng biệt do Mỹ và Indonesia đề xuất, lực lượng đặc nhiệm tương lai sẽ tìm hiểu các phương án huy động vốn để tăng cường chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch.

Hãng tin Reuters trích lời các bộ trưởng G20 trong một thông cáo chung: “Để giúp tiến tới các mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022 ... chúng tôi sẽ thực hiện các bước để giúp tăng cường cung cấp vắc xin, các sản phẩm y tế thiết yếu và các yếu tố đầu vào ở các nước đang phát triển, đồng thời loại bỏ các ràng buộc về nguồn cung và tài chính có liên quan…

Chúng tôi cũng thành lập Nhóm đặc nhiệm chung về Y tế-Tài chính G20 nhằm mục đích tăng cường đối thoại và hợp tác toàn cầu về các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, phát triển các thỏa thuận phối hợp giữa Bộ Tài chính và Y tế, thúc đẩy hành động tập thể, đánh giá và giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe có tác động xuyên biên giới và khuyến khích quản lý hiệu quả các nguồn lực”.

G20 hứa hỗ trợ nguồn lực và tài chính để đến giữa năm 2022, 70% dân số thế giới được tiêm vắc xin COVID-19
G20 hứa hỗ trợ nguồn lực và tài chính để đến giữa năm 2022, 70% dân số thế giới được tiêm vắc xin COVID-19

Các bộ trưởng cho biết, họ đang thành lập cơ quan mới vì đại dịch COVID-19 đã bộc lộ "những thiếu sót đáng kể" trong khả năng điều phối ứng phó của thế giới.

Họ cam kết hỗ trợ "mọi nỗ lực hợp tác" để cung cấp khả năng tiếp cận với vắc xin, phương pháp điều trị, chẩn đoán và thiết bị bảo vệ cá nhân an toàn, giá cả phải chăng, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Để đạt được các mục tiêu tiêm chủng, họ sẽ làm việc để tăng cường cung cấp vắc xin và các sản phẩm y tế thiết yếu ở các nước đang phát triển, đồng thời loại bỏ các hạn chế về nguồn cung và tài chính, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Họ cũng kêu gọi tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thông qua các trung tâm chuyển giao công nghệ tự nguyện ở các khu vực khác nhau, chẳng hạn như các Trung tâm công nghệ mRNA mới được thành lập ở Nam Phi, Brazil và Argentina, cũng như thông qua các thỏa thuận sản xuất và chế biến chung.

Dù vậy, lời kêu gọi chuyển giao công nghệ mRNA tự nguyện nghĩa là cuộc thảo luận về ý tưởng tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin và liệu pháp COVID-19 - ban đầu được đề xuất bởi Nam Phi và Ấn Độ và nhận sự ủng hộ từ Mỹ - vẫn còn bị mắc kẹt tại Thế giới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI