FIFA Women’s World Cup 2023: Những nữ chiến binh can trường

21/07/2023 - 06:17

PNO - Trong số những cầu thủ của 32 đội bóng háo hức bước lên “sân khấu” FIFA Women’s World Cup 2023 có không ít nữ chiến binh đã vượt qua những thách thức lớn để đến với đỉnh cao này.

Từ bệnh tật, tai nạn đến tố cáo lạm dụng

Việc Sinead Farrelly được gọi vào đội tuyển Cộng hòa Ireland là một “phép màu” khi cô đã phải vượt qua những khó khăn cùng cực về thể chất lẫn tinh thần. Năm 2016, nữ tiền vệ này tưởng chừng phải giải nghệ sau tai nạn xe hơi. “Chạm vào quả bóng lần nào cũng rất đau. Thời điểm đó, tôi đã nghĩ mình phải từ bỏ bóng đá” - cô nói. Nỗ lực hồi phục đầy gian nan được đền đáp bằng hợp đồng với NJ/NY Gotham FC vào tháng 3/2023, Farrelly trở lại Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia Mỹ (NWSL). Không lâu sau đó, cô có trận đấu quốc tế đầu tiên cho Ireland.

Một lý do khác ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của nữ cầu thủ: những rắc rối sau khi Farrelly và đồng đội cũ từng tố cáo hành vi cưỡng bức tình dục của cựu huấn luyện viên Portland Paul Riley khiến Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ và NWSL phải mở cuộc điều tra. Sự hiện diện của Farrelly trong đội hình đội bóng lần đầu tiên tham dự vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 (VCK) không chỉ thu hút người hâm mộ sau 6 năm cô gián đoạn, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người rằng, không bao giờ quá muộn để theo đuổi hoặc tiếp tục giấc mơ.

Từ trái qua: Rafaelle Souza (Brazil), Rebekah Stott (New Zealand) và Khadija Shaw (Jamaica), 3 trong số những nữ chiến binh có mặt ở FIFA Women’s World Cup 2023 - Nguồn ảnh: KEEPUP
Từ trái qua: Rafaelle Souza (Brazil), Rebekah Stott (New Zealand) và Khadija Shaw (Jamaica), 3 trong số những nữ chiến binh có mặt ở FIFA Women’s World Cup 2023 - Ảnh: KEEPUP

Linda Caicedo - ngôi sao của đội tuyển Colombia - nhanh chóng khẳng định là một trong những tài năng sáng giá nhất của bóng đá nữ. Nhưng sự thăng tiến của cô trải qua nhiều trở ngại. Lúc 15 tuổi, Caicedo phát hiện bị ung thư buồng trứng. Dù vậy, cô gái trẻ vẫn vượt lên và đá trận ra mắt cho Colombia America de Cali sau đó kết thúc mùa giải với danh hiệu tay săn bàn hàng đầu. “Việc điều trị đã khiến có lúc tôi nghĩ đến việc thôi thi đấu. Tôi mãi biết ơn vì nó đã xảy ra khi tôi còn rất trẻ để có thể hồi phục với sự hỗ trợ của gia đình. Bệnh tật làm tôi trưởng thành hơn” - cô nói. Caicedo trở lại sân cỏ với tốc độ chóng mặt, khả năng tấn công sung mãn. Nhiều đội bóng châu Âu muốn có chữ ký của cô. Gã khổng lồ Real Madrid đã đạt thỏa thuận vào tháng 1/2023, đưa Caicedo thành siêu sao quốc tế. Năm nay 18 tuổi, Caicedo đến World Cup như là một trong những ngôi sao trẻ nhất giải.

Hành trình của Rebekah Stott - đội chủ nhà New Zealand - cũng không suôn sẻ. Năm 2021, nữ hậu vệ này mắc bệnh ung thư máu, phải ngừng thi đấu để điều trị. Tháng 8/2021, Stott ký hợp đồng 1 năm với Melbourne City và phong độ thi đấu cao đã giúp cô được triệu tập trở lại đội tuyển quốc gia. “Khó khăn nhất của tôi là quá trình điều trị, nhưng đó cũng là những ngày đáng sống. Một thử thách quá dài về tinh thần, nhưng thật vui vì chỉ cần được trở lại sân cỏ” - cô viết trên Instagram. 

Bi kịch ấu thơ

Khi được cả thế giới công nhận là tiền đạo đáng sợ nhất hiện nay, ít ai biết Khadija ‘Bunny’ Shaw của đội tuyển Jamaica từng bị cha mẹ cấm chơi bóng. “Tôi thường lẻn ra ngoài chơi bóng khi người lớn đi làm và trở về nhà trước khi họ tan sở” - cô kể.

Việc được gọi vào đội tuyển quốc gia U15 Jamaica khi mới 13 tuổi là cột mốc của Shaw. Cô tiếp tục có mặt trong các đội tuyển U17 và U20. Những màn trình diễn ấn tượng của Shaw đã thu hút sự chú ý của các tuyển trạch viên người Mỹ. Cô được 2 trường cao đẳng đề nghị cấp học bổng sau đó chọn vào Đại học Tennessee, nơi Shaw có thể cân bằng giữa chơi bóng chuyên nghiệp và học tập để lấy bằng cử nhân truyền thông.

Ngoài chuyện bị cấm đoán đến với bóng đá, năm tháng đầu đời của Shaw còn là những chấn thương tâm lý bởi bi kịch gia đình. Cô đã mất đến 6 người thân, trong đó có 3 trường hợp vì bạo lực băng đảng, 3 người vì tai nạn giao thông. Và cô đã nỗ lực tất cả để vượt qua nghịch cảnh. Năm nay 26 tuổi, cô đã kết thúc mùa giải 2022-2023 với tư cách nữ tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất cho Manchester City (Anh) trong một mùa giải, với 31 lần phá lưới. Đồng thời, cô giữ kỷ lục cầu thủ ghi bàn hàng đầu mọi thời đại của Jamaica ở cả bóng đá nam và nữ với 56 bàn thắng.

Con đường đến vinh quang của Rafaelle Souza - đội tuyển Brazil - cũng rất đặc biệt. Cô gái 32 tuổi chưa bao giờ dám mơ mình có thể biến tình yêu túc cầu thành sự nghiệp. Kỹ năng bẩm sinh của Souza được mài giũa từ rất sớm khi chơi bóng bằng chân trần trên những con phố ở Cipo. “Một đứa trẻ như tôi chỉ đá bóng cho vui. Đến khoảng 10 tuổi, tôi bắt đầu nghĩ đến cách nào thi đấu cho một câu lạc bộ. Nhưng nơi tôi sống, không có đội bóng nữ nào” - Souza cho hay.

Mãi đến 15 tuổi, lần đầu tiên được chơi cho Sao Francisco do Conde - một câu lạc bộ ở Salvador - cô gái mới bắt đầu khẳng định bóng đá như một nghề. Tuy nhiên, đã có lúc cô muốn từ bỏ cuộc chơi. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, cô đã phải lựa chọn quyết định làm việc hay tiếp tục với học bổng bóng đá tại Đại học Mississippi (Mỹ). Chọn lựa chơi bóng đã giúp Souza thăng hoa. Năm 2022, cô là cầu thủ Brazil đầu tiên chơi cho Arsenal Women (Anh). Trong đội hình tuyển quốc gia, Souza đóng vai trò quan trọng giúp Brazil đoạt chức vô địch Copa America Femenina. Cô mong muốn sẽ làm nên lịch sử bằng cách cùng đội giành chiến thắng đầu tiên tại sân đấu lớn nhất hành tinh. 

Khi các bóng hồng “cầm cân nảy mực” 

Trọng tài tại các giải đấu lớn như World Cup và giải vô địch châu lục thường chịu áp lực rất lớn khi phải giữ thái độ trung lập và đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã ấn định mức thù lao cơ bản 70.000 USD cho trọng tài chính và 25.000 USD cho trợ lý trọng tài. Tổng cộng 33 trọng tài và 55 trợ lý trọng tài đều là phụ nữ. Ngoài ra, trong số 19 người chịu trách nhiệm giám sát video công nghệ VAR xuyên suốt 64 trận đấu có 6 phụ nữ. 

Trọng tài María Laura Fortunato (phải) điều khiển trận đấu giữa đội tuyển Mỹ  và Thái Lan tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2019 ở Pháp - Nguồn ảnh: FIFA
Trọng tài María Laura Fortunato (phải) điều khiển trận đấu giữa đội tuyển Mỹ và Thái Lan tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2019 ở Pháp - Ảnh: FIFA

Cái tên đáng chú ý trong số những trọng tài tại giải đấu năm nay là Stephanie Frappart. Đây là người đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ trọng tài chính cho trận đấu tại Giải vô địch bóng đá nam thế giới World Cup 2022 giữa Đức và Costa Rica. Cô cũng từng làm trọng tài cho trận chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2019 giữa Mỹ và Hà Lan. Đội tuyển Mỹ thắng trận đấu với tỉ số 2-0, bao gồm bàn thắng từ quả phạt đền được quyết định sau khi trọng tài xem xét VAR. Frappart là một trong những trọng tài được kính trọng nhất trong môn thể thao vua, sánh ngang với những đồng nghiệp nam. 

Một cái tên đáng chú ý khác là María Laura Fortunato. “Trọng tài là cuộc sống của tôi. Tôi sống với bóng đá và tôi sống với nghề trọng tài. Sau gia đình, đó là điều quan trọng nhất mà tôi có. Bất kỳ trọng tài nào cũng muốn có mặt tại World Cup. Đó là một vị trí rất đặc biệt. Chúng tôi phải tôn trọng vị trí của mình, tiếp tục học hỏi từng ngày và không ngừng đảm bảo chúng tôi cống hiến 200%” - cô nói.

Trong khi đó, Heba Saadieh chuẩn bị làm nên lịch sử khi trở thành người Palestine đầu tiên làm trọng tài tại một kỳ World Cup. Người phụ nữ 34 tuổi gốc Palestine lớn lên ở Syria. Năm 2010, khi đang theo học ngành giáo dục thể thao ở đại học, cô nhận thấy không có phụ nữ nào tham gia kỳ tập huấn trọng tài nên quyết định trở thành người tiên phong.

Cô chuyển đến Malaysia vào năm 2012 và bắt đầu làm trọng tài cho các giải đấu địa phương. Cô cùng gia đình chuyển đến Thụy Điển vào cuối năm 2016 như một phần của chương trình tái định cư do Liên hiệp quốc hỗ trợ. Hiện cô Saadieh là trọng tài ở giải bóng đá nữ hàng đầu Thụy Điển và giải hạng hai của môn bóng đá nam. Cô đã điều hành các trận đấu tại AFC Cup nữ và ASIAN Cup, vòng loại World Cup và cả các trận đấu tại Thế vận hội Tokyo 2020. “Tôi rất tự hào khi là trọng tài người Palestine đầu tiên tại World Cup. Điều đó khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm phải thể hiện thật tốt trong suốt giải đấu. Tôi hy vọng mình có thể mở ra cánh cửa dành cho những người khác, để các trọng tài Palestine - cả nữ và nam - có thể được lựa chọn trong tương lai” - nữ trọng tài nói.

Linh La (theo FIFA, Al Jazeera, Sportingnews)

Nam Anh (theo TIT, Reuters, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI