Đường vào các cảng ở TPHCM bao giờ hết quá tải?

12/04/2022 - 06:07

PNO - Hiện nay, trung bình mỗi ngày, có hơn 20.000 lượt xe container ra vào cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức), kéo theo tình trạng kẹt xe trầm trọng trên các tuyến đường xung quanh cảng này.

“Có khi kẹt xe suốt cả đêm”

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên trục đường Xa lộ Hà Nội và Mai Chí Thọ, hàng đoàn xe container nườm nượp hướng về cảng Cát Lái, cảng Trường Thọ và các cảng cạn (ICD) xung quanh. Hai con đường trên đều khá rộng nhưng cũng trở nên chật chội với lưu lượng xe vận tải hàng hóa không ngừng tăng. Tình trạng ùn ứ xe thường xuyên diễn ra trên các tuyến đường nhỏ hẹp dẫn vào cảng Cát Lái như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công… 

Đường Nguyễn Thị Định dẫn vào cảng Cát Lái thường xuyên ùn ứ xe cộ - ẢNH: P.T.
Đường Nguyễn Thị Định dẫn vào cảng Cát Lái thường xuyên ùn ứ xe cộ - Ảnh: P.T.

Trên các tuyến đường nối cảng này, ngoài làn nhỏ dành cho xe máy, mỗi bên chỉ có hai làn hỗn hợp cho cả xe tải, xe container, xe buýt, ô tô nên tốc độ rất chậm, chỉ cần một sự cố nhỏ là cả dòng xe ùn ứ kéo dài. Đặc biệt, đường Đồng Văn Cống - độc đạo dẫn vào cảng Cát Lái - chỉ rộng 10 - 12m nhưng phải gồng mình gánh hàng ngàn lượt xe container và xe các loại nên thường xuyên bị ùn tắc. 

Ở nút giao Mỹ Thủy, tình trạng kẹt xe, tai nạn đã được cải thiện đáng kể từ khi có hầm chui và cầu vượt Mỹ Thủy. Tuy nhiên, do phần đường từ hầm chui đi lên bị khuất tầm nhìn và các luồng xe vẫn còn giao cắt trực tiếp nên giao thông qua khu vực này khá phức tạp. Càng về trưa, lượng xe qua các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái càng tăng và càng về chiều, giao thông ở đây càng hỗn loạn, nhất là lúc tan tầm. Từ vòng xoay Mỹ Thủy về hướng cảng Cát Lái, càng vào sâu, con đường càng nhỏ hẹp như nút thắt cổ chai, có chỗ chỉ rộng 8 - 9m, gây khó khăn cho xe cộ lưu thông.

Anh Trần Tâm - tài xế xe container của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ cơ khí, ô tô vận tải số 116 - cho biết sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19, gần đây, tình trạng kẹt xe quanh cảng Cát Lái bắt đầu tăng trở lại. Mỗi khi tàu cập cảng, hàng về nhiều, các xe lại tập trung về cảng lấy hàng. Có những hôm, xe kẹt cứng trên Xa lộ Hà Nội từ ngã tư RMK đến ngã tư Bình Thái, vào tận các tuyến đường gần cảng như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định. Tài xế phải nhích từng chút, có khi từ đêm đến tận sáng mới vào được đến cảng để lấy hàng.

“Tôi chở hàng từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang… về cảng Cát Lái. Các mặt hàng cũng rất đa dạng nhưng chủ yếu là trái cây, thủy sản nên nếu kẹt xe kéo dài, chất lượng hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều khi, thời gian chạy từ các tỉnh về TP.HCM không lâu bằng thời gian chờ để vào được cảng. Bình thường, tiền nhiên liệu chiếm khoảng 35% tổng chi phí một chuyến hàng, nhưng nếu kẹt xe, tài xế container mất thêm 5 lít dầu/giờ, lại thêm mệt mỏi, trễ giờ lấy hàng, giao hàng, quay đầu xe” - anh Tâm than thở. 

Thu phí để mở đường vào cảng

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tại TPHCM, nhiều cảng quốc tế nằm sâu trong thành phố nhưng hệ thống giao thông kết nối vào cảng đa phần là độc đạo, không có đường chuyên dùng, chủ yếu dùng chung với đường giao thông của địa phương. Do đó, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các đường ra vào cảng, nhất là ở TP.Thủ Đức - nơi tập trung nhiều cảng như Cát Lái, Trường Thọ, Phước Long, Phú Hữu… 

Đường Võ Chí Công chạy vào cảng Cát Lái thường xuyên quá tải do lưu lượng xe chở hàng quá đông, đường lại hẹp - ẢNH: P.T.
Đường Võ Chí Công chạy vào cảng Cát Lái thường xuyên quá tải do lưu lượng xe chở hàng quá đông, đường lại hẹp - Ảnh: P.T.

Cát Lái là cảng container lớn nhất Việt Nam, chiếm 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam và 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Theo dự báo, đến năm 2020, cảng Cát Lái tiếp nhận 50 triệu tấn hàng hóa nhưng trên thực tế, lượng hàng về cảng hiện đã 100 triệu tấn/năm. Mỗi ngày, có 20.000-22.000 lượt xe container ra vào cảng này, có khi lên đến 26.000 lượt, trong khi mức dự báo là 12.000-14.000 xe/ngày. Bên cạnh đó, do không có đường vận chuyển chuyên dụng, xe container và xe dân sự phải lưu thông hỗn hợp nên tai nạn giao thông cũng thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường ra vào cảng. 

Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết để gỡ nút thắt giao thông khu vực cảng Cát Lái, sắp tới, sở sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng xung quanh cảng như mở rộng các đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công; tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án nút giao Mỹ Thủy, trong đó xây cầu vượt cho xe từ cảng Cát Lái rẽ trái đi cầu Phú Mỹ và xây cầu Kỳ Hà 4 cho xe từ cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái. 
Trong năm 2022, sở cũng dự kiến khởi công dự án nút giao An Phú với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, giúp kết cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đại lộ Mai Chí Thọ. Từ nay đến năm 2025, chính quyền thành phố cũng ưu tiên khép kín đường Vành Đai 2, trong đó có hai đoạn qua TP.Thủ Đức, giúp giảm áp lực giao thông cho các tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, tăng kết nối giao thông cho các cảng ở TP.Thủ Đức, đặc biệt là cảng Cát Lái.

Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng để “chia lửa” cho cảng Cát Lái, ngành chức năng TPHCM cần tập trung mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ dẫn vào cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Hiện cảng Hiệp Phước chỉ khai thác được khoảng 50% công suất nhưng đường vào cảng này thường xuyên kẹt xe nên xe vận tải từ các tỉnh miền Tây phải chạy đến cảng Cát Lái bỏ hàng, càng khiến đường quanh cảng Cát Lái thêm quá tải.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ nay đến năm 2025, cần đến 27.000 tỷ đồng để triển khai các dự án hạ tầng xung quanh các cảng. Để có vốn, từ ngày 1/4 vừa qua, sở đã triển khai việc thu phí hạ tầng cảng biển theo mức đã được HĐND TPHCM ban hành. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM - cho biết qua tuần đầu triển khai, việc thu phí được thực hiện thuận lợi, ổn định, trung bình mỗi ngày thu được gần 8 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển, xấp xỉ mức dự kiến trước đó. Nếu việc thu phí diễn ra đúng kế hoạch thì mỗi năm, tiền phí thu được khoảng 3.000 tỷ đồng và từ nay đến năm 2025, dự kiến thu được khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi chi một khoản cho đơn vị thu phí, toàn bộ số tiền trên sẽ được đầu tư vào các công trình hạ tầng kết nối các cảng của thành phố. Trước mắt, có 14 dự án được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn thu này, trong đó phần lớn là các dự án mở đường xung quanh cảng Cát Lái. 

Việc thu phí không ảnh hưởng tiến độ thông quan

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, việc vận hành hệ thống thu phí những ngày qua ổn định, thuận lợi. Đơn vị thu phí là Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM không thu tiền mặt mà thông qua hệ thống 24/7 của các ngân hàng thương mại, nên không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Khi doanh nghiệp nộp phí, dữ liệu được tích hợp về các cổng cảng biển để quản lý xe ra vào. Đối với các doanh nghiệp đã làm tờ khai thu phí nhưng chưa kịp nộp tiền, xe chở hàng vẫn được ra cảng bình thường; hải quan và cảng vụ sẽ đối soát và gửi thông báo cho doanh nghiệp đóng phí sau. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI