Đừng quên người cao tuổi đầy nhạy cảm trong nhà

15/12/2021 - 11:02

PNO - Được bạn rủ học hát ca cổ, bà Kim T. (70 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) rất mê. Ngặt nỗi khi bà chia sẻ với con trai, con lại viện đủ lý do, nào là dịch bệnh hạn chế đi lại, nào là già cả rồi học hát mà chi, nào là ai đâu quởn để chở má đi…Thời dịch giã, trẻ em là đối tượng được ưu tiên chăm sóc, nhưng đừng quên người cao tuổi đầy nhạy cảm trong gia đình.

 

Tạm gác đam mê

Khi lớp ca chuyển sang học online, bà Kim T. lại muốn đăng ký, con bà đồng ý, nhưng miễn cưỡng hướng dẫn mẹ các thao tác trên điện thoại để kết nối vào lớp học, miễn cưỡng chuyển tiền đóng học phí, dù số tiền rất ít ỏi. Được tiếp cận bộ môn yêu thích và giao lưu với nhiều bạn bè cùng đam mê, bà Kim T. hăm hở, nhưng rồi việc học cũng gián đoạn khi điện thoại bỗng dưng trở chứng. Nhiều lần bà nhờ vả, con bà vẫn chưa mang đi sửa, rồi con quên béng. Thấy con lu bu, bà cũng ngại nhắc, đành lỗi hẹn với lời ca tiếng đàn. 

Có quan sát, chuyện trò mới thấy nhu cầu của người cao tuổi (NCT) rất phong phú, đa dạng, không chỉ là ăn no mặc ấm, được an toàn. Muốn tham gia một lớp học, muốn gọi điện thăm hỏi họ hàng, bạn bè, muốn in một tập hồi ký, muốn chọn mua một cây gậy phù hợp để di chuyển trong sân hay chỉ là muốn thay một bàn chải đánh răng mới, không phải luôn dễ dàng để NCT bày tỏ. Vướng mắc không chỉ ở tiền. 

Còn rất nhiều rào cản để NCT thỏa mãn nhu cầu, trong đó phải kể đến sự thiếu hụt sản phẩm, dịch vụ dành cho NCT và sự thiếu quan tâm, đồng cảm, hỗ trợ của gia đình. Tác động của đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội, nguy cơ lây nhiễm rình rập cũng khiến NCT bỏ qua rất nhiều ước muốn, kế hoạch. 

Các cụ ở Viện Dưỡng lão Bình Mỹ cùng ăn bánh kem mừng sinh nhật
Các cụ ở Viện Dưỡng lão Bình Mỹ cùng ăn bánh kem mừng sinh nhật

 

Vào tháng 11/2021, diễn đàn Cơ hội phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho NCT tại Việt Nam do chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đại diện khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Diễn đàn nằm trong chuỗi các hoạt động can thiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, thông qua dự án mang tên “Giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương - đảm bảo tiến độ của quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng, đại dịch COVID-19 và hậu quả để lại trên toàn cầu đã bộc lộ sự yếu kém trong việc cung cấp những dịch vụ quan trọng trong các tình huống khủng hoảng và khẩn cấp, gây ảnh hưởng đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đang tồn tại. Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam kiêm Giám đốc VCCI-HCM tại TP.HCM, nêu: “Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo dân số của Tổng cục Thống kê cho thấy, với tốc độ già hóa dân số diễn ra vào mức nhanh nhất thế giới, dự kiến đến năm 2038 số người trên 60 tuổi tại Việt Nam lên đến khoảng 21 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số. Đây là con số đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa và xã hội mà tất cả các bên liên quan cần tham gia, nghiên cứu, thảo luận và tìm ra các giải pháp cho các vấn đề phát sinh. Các vấn đề nổi bật cần được lưu ý có thể kể đến như: chính sách an sinh xã hội, hệ thống y tế công, dịch vụ phục vụ riêng cho nhu cầu của NCT”.

Thị trường sản phẩm dịch vụ dành cho NCT có nhu cầu lớn nhưng cũng nhiều thách thức đi kèm. Tỷ lệ sinh thấp và quy mô gia đình nhỏ dẫn đến việc chăm sóc của người thân và con cái dành cho NCT sẽ càng ngày càng giảm theo thời gian. Hiện khá nhiều NCT chọn sống một mình, nhất là người có trình độ học vấn cao. Tuy nhiên cũng có thách thức là tuổi càng cao thì sự phụ thuộc tài chính vào con cháu càng lớn (thu nhập của NCT đến từ các nguồn: hỗ trợ từ con cháu, thu nhập qua làm việc, lương hưu, tiền tiết kiệm và các khoản trợ cấp hằng tháng từ Nhà nước). Để NCT tiếp cận được các dịch vụ, việc thuyết phục người chi trả (thường là con cháu của NCT) rất quan trọng.
 

“Cậy con” nhưng cũng cần độc lập, tự chủ

“Trẻ cậy cha - già cậy con”, nhiều người cho rằng hễ có con là không cần lo cho tuổi già, đã có con lo cho mình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tuổi già luôn vận hành theo đúng “kịch bản” truyền thống là “cậy con” bởi có rất nhiều yếu tố khách quan tác động. 

Đâu đó vẫn có bi kịch xót xa là con cái yêu cầu cha mẹ già bán nhà để con đầu tư kinh doanh và sẽ dùng lợi nhuận kinh doanh để bảo đảm cuộc sống cho cha mẹ. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra không suôn sẻ như lời con hứa, đẩy các cụ lâm vào cảnh sống thiếu hụt, bấp bênh, phải ở nhà thuê. Trường hợp có nhiều con mà các con mâu thuẫn nhau, tranh chấp tài sản cha mẹ cho, tỵ nạnh việc chăm sóc, phụng dưỡng, cuộc sống của cha mẹ già vừa thiếu thốn vừa căng thẳng, phiền muộn.

Xưa NCT có tư duy phụ thuộc con cái, thời hiện đại NCT độc lập hơn, quan trọng nhất phải kể đến việc độc lập về tài chính. Sau nghỉ hưu là khoảng thời gian đẹp nhất, NCT có thời gian và tâm trí để chăm sóc bản thân, du lịch, vun đắp các mối quan hệ, tham gia các khóa học.

Tuy nhiên, khoảng thời gian này sẽ không đẹp được nếu chưa chuẩn bị về tài chính và kế hoạch toàn diện bài bản. 

Vì vậy, nên chuẩn bị cho tuổi già từ sớm và có tính kỷ luật dài hạn, “góp gió thành bão” khi ta đang còn có sức khỏe dồi dào, thu nhập chủ động. Thời hiện đại, một trong những sự chuẩn bị ưu việt là mua bảo hiểm nhân thọ vừa là tiết kiệm, bảo vệ mà cũng là kênh đầu tư. Khi bất trắc xảy ra với NCT, các gói bảo hiểm này sẽ tiếp sức với các con cháu để chăm lo, báo hiếu cho cha mẹ già. 

Ông Bùi Anh Trung (áo vest) cùng các cụ vui đón xuân
Ông Bùi Anh Trung (áo vest) cùng các cụ vui đón xuân

 

Các lớp học kỹ năng làm cha mẹ cũng như những bài viết hướng dẫn cha mẹ chăm sóc giáo dục con cái trên sách báo đã rất phổ biến ở thời hiện đại, nhưng lớp học để con cháu chăm sóc, ứng xử với cha mẹ, ông bà dường như còn quá mới mẻ, quá hiếm. Điều đó ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sống, tinh thần của NCT ngay trong chính ngôi nhà mình. 

Dịch vụ kinh doanh hướng đến NCT là thị trường đầy tiềm năng, có nhu cầu rất lớn, nhưng cũng đầy rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư có quyết tâm cao, dám đương đầu và quản trị rủi ro. Bên cạnh đó Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tín dụng, đào tạo nhân lực, tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ NCT.

Và yếu tố cực kỳ quan trọng bên cạnh sự phát triển của ngành chăm sóc NCT là sự quan tâm, yêu quý, thấu hiểu của gia đình để giúp NCT thỏa mãn những nhu cầu chính đáng, nâng cao chất lượng sống, hữu ích cho đời.

Bà Naomi Kitahara cũng nhấn mạnh tại diễn đàn rằng, cùng với tác động của già hóa dân số, Việt Nam không được quên xu thế nữ hóa trong tốc độ già hóa dân số. Tỷ lệ nữ giới cao trong dân số cao tuổi đòi hỏi phải có các chính sách, chương trình nhạy cảm về giới nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân đặc thù của NCT, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi. 

 

Nhu cầu của người cao tuổi

Tại diễn đàn Cơ hội phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho NCT, bà Bùi Thị Ninh - Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI-HCM - đã báo cáo nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc NCT ở Việt Nam từ một khảo sát trên 309 NCT và thế hệ kế cận.

Qua khảo sát, có khá nhiều phát hiện thú vị. Một số dịch vụ tưởng chừng đơn giản nhưng kết quả khảo sát mức độ cung ứng lại cho thấy sự thiếu hụt rất cao, rất đáng lưu ý. 

Theo khảo sát, các nhu cầu của NCT được đánh giá cao là: 
1. Vận động, thể dục, thể thao.
2. Có bạn bè, tâm tình, giảm cảm giác cô độc.
3. Được cung cấp đủ dinh dưỡng theo chế độ phù hợp.
4. Tiếp tục làm việc, được cống hiến, giúp đỡ.
5. Được hỗ trợ để tự chăm sóc bản thân.
6. Các chương trình bảo hiểm y tế đủ theo nhu cầu.
7. Chế độ bảo hiểm đủ cho người hưu trí tự trang trải.
8. Mạng lưới các cơ sở điều trị y tế có chất lượng.
9. Tư vấn về các quy trình khám chữa bệnh, tư vấn.
10. Được trao đổi, tư vấn về cách tự chăm sóc.
11. Tham gia vào các hoạt động, mạng lưới gắn kết.
12. Có hệ thống và đầu mối dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
13. Mạng lưới cơ sở dưỡng lão…

 

Tâm lý “dị ứng” viện dưỡng lão 

Theo ông Bùi Anh Trung (Giám đốc Viện Dưỡng lão Bình Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM) việc đánh giá rủi ro với NCT rất quan trọng. NCT và những người chăm sóc NCT cần biết những nguy cơ có thể xảy đến để hạn chế, khắc phục. Cần cẩn trọng từ khâu đút ăn, muỗng ăn, thức ăn như thế nào phù hợp để không bị sặc, nguy hiểm; đến việc chọn xe lăn, gậy chống, giày dép, quần áo, hệ thống phòng tắm có thanh vịn, nhà vệ sinh chuyên dụng cho NCT. Cần lắp thiết bị cảnh báo khu vực nào rủi ro để NCT tránh, giường nằm của NCT như thế nào, có nút bấm, có chuông để gọi người thân trong trường hợp khẩn cấp không… Sản phẩm, dịch vụ cần đa dạng và chất lượng hơn nữa, càng thêm sự chọn lựa càng tốt cho NCT và gia đình.

Từ nỗi tiếc nuối của một người con trước sự ra đi của cha ruột chỉ sau vài tháng bị tai biến, ông Trung lập nhà dưỡng lão tư nhân đầu tiên ở TP.HCM để thực hiện tâm huyết chăm lo cho NCT được sống vui sống thọ. Ông tham khảo mô hình của Nhật và nhiều nước, mời chuyên gia đào tạo cho nhân viên. Với ông, dưỡng lão là dịch vụ lắm thách thức, lắm thăng trầm và đầy cảm xúc. 

Một rào cản lớn đối với dịch vụ này tại Việt Nam là tâm lý “dị ứng” khi nhắc đến nhà dưỡng lão, cho rằng đưa vào đó, người già bị bỏ rơi, bị đánh đập hoặc con cháu bất hiếu mới cho cha mẹ vào viện dưỡng lão. Thực tế có người già muốn vào sống ở viện dưỡng lão cho có bạn, đỡ quạnh hiu như ở nhà nhưng con cháu lại sợ “mất mặt”. 

Sự ra đời và phát triển của dịch vụ dưỡng lão làm đa dạng, phong phú hơn nữa giải pháp cho cuộc sống của NCT, nhất là trong trường hợp người chăm sóc bận rộn công việc, đi công tác lâu ngày hoặc sức khỏe kém… Ở viện dưỡng lão, các cụ được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc y tế bởi đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên môn, thường xuyên giao lưu, tham gia các trò chơi tập thể vui nhộn, phù hợp sở thích. Ở nhiều nước, số lượng nhà dưỡng lão tương đương với số lượng trường mầm non, nhà trẻ vì nhu cầu và quan niệm cởi mở đối với “nhà già”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI