Đừng động vào con tôi

19/11/2015 - 08:12

PNO - Ngày nhỏ sống ở quê cùng ba mẹ, tôi thấy nhiều người lớn mắc “bệnh” bênh con hoặc xem con mình hơn thiên hạ. Lúc ấy, tôi thấy là chuyện thường tình.

Nhưng giờ tôi nhận ra rằng, “bệnh” này là một trong những tính rất xấu của các bậc cha mẹ. Tôi nhớ ba mẹ và nhiều phụ huynh dạy con mình trong mọi cư xử phải biết “chịu thiệt” một chút. Mỗi sáng, tôi đem chổi ra quét sân, ba đều dặn phải quét luôn sang sân của hai nhà bên cạnh.

Đám trẻ con chúng tôi chơi cùng nhau mà lỡ làm hư hay làm mất đồ chơi, nếu là đồ chơi của anh em tôi thì thôi, còn đồ chơi của con người khác là ba mẹ tôi đền ngay, bất kể đó có phải là lỗi của anh em tôi hay không.

Hoặc khi các anh tôi đánh nhau, ba sẽ kêu về đánh vài roi và giải thích rằng đây là những roi phạt vì tội đã đánh nhau với bạn. Với ba, trong mọi tình huống đều không nên dùng nắm đấm. Sau đó, ba mới nghe anh tôi giải thích vì sao đánh nhau rồi tùy vào câu chuyện mà dạy dỗ tiếp.

Dung dong vao con toi
Ảnh minh họa

Bác tôi ở dưới quê gửi con gái lên nhà tôi trọ học. Mỗi khi mẹ tôi may cho chị tôi bộ đồ mới là may luôn cho chị họ một bộ. Mẹ luôn bắt chị tôi phải làm công việc nhà nhiều hơn vì “không được xem chị là người ở nhờ nhà mình”.

Anh con nhà hàng xóm dưới quê lên nhà tôi trọ học, mẹ cho tiền anh em tôi ăn sáng thì cho luôn tiền ăn sáng cho anh ấy. Anh em tôi thắc mắc, mẹ chỉ nói đơn giản “tụi con ăn sáng thì ảnh cũng phải ăn chứ”.

Chị gái tôi gặp nhiều biến cố, phải gửi con gái ở quê để vào Sài Gòn làm ăn. Cháu gái và em gái tôi cùng tuổi, học chung lớp và thường cãi nhau vì những chuyện vặt vãnh trẻ con. Sau những trận gây nhau, lúc nào em gái cũng là đứa bị ba mẹ tôi rầy la, bất kể con bé tủi thân, hờn khóc.

Khi cho chị gái tôi đi thành phố học may, ba tôi chở chị đến nhà chú gửi ở nhờ. Mỗi ngày, ba tôi gọi điện thoại hỏi chị tôi có nấu ăn, rửa chén, quét nhà chưa. Không ít lần, anh chị em vừa khóc vừa nói “ba mẹ không thương tụi con” vì thấy ba mẹ sao bất công với con cái.

Khi lớn, chúng tôi mới hiểu ý tứ của ba mẹ trong từng chuyện cỏn con như vậy. Chuyện quét sân đã dạy chúng tôi thấy việc gì trước mắt làm được thì cứ làm, đừng đợi người khác và cũng đừng suy nghĩ vì sao phải làm giúp người ta.

Chuyện ba mẹ đối đãi tốt với những người ở nhờ là để con cái không được phép xem họ là những kẻ ăn nhờ ở đậu nhà mình. Khi những đứa trẻ trong nhà xảy ra tranh cãi, ba mẹ luôn la mắng con mình trước vì “mấy đứa nhỏ kia” sống xa nhà, xa ba mẹ đã buồn mà bị la mắng hay đối xử không tốt thì tủi thân. Chúng tôi lớn lên cùng những bài học bình dị của ba mẹ mình như thế.

Thế nhưng, không phải ai trong số anh em tôi cũng lĩnh hội được những điều đó từ ba mẹ. Anh trai tôi trở thành người cha bênh con… siêu hạng. Trong mắt anh, chỉ có con gái mình hoàn hảo và xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất.

Tôi, cháu tôi (cũng là cháu ruột anh) và cha con anh sống cùng một nhà. Bữa ăn thiếu cái chén, đôi đũa, trái ớt, miếng rau… anh đều sai đứa cháu đi lấy chứ không bao giờ bảo đến con gái mình.

Con gái anh bận học bài thi, anh lẳng lặng để con bé học hành. Nhưng cháu gái thì dù đang học cũng phải dừng lại để làm một việc gì đấy anh cần rồi mới học tiếp. Mỗi sáng, con gái đi học sớm, anh từ trên lầu hỏi vọng xuống “Đẩy xe ra được không con, để ba xuống đẩy giùm cho”.

Nhưng nếu anh đi làm mà xe cháu gái tôi nằm ở ngoài, anh gọi cháu xuống đẩy xe cháu qua cho anh dắt xe đi làm. Tất cả việc vặt trong nhà anh đều muốn cháu gái đảm đương chứ không muốn con gái mình động tay, động chân.

Khi tôi đề nghị con gái anh đi quăng rác, con bé chưa kịp “trở mình”, anh vội vàng làm giúp. Tương tự, tôi bảo con bé đi cắt lát chanh, quét nhà… anh cũng nhanh nhẹn làm thay con mình.

Anh không nói, nhưng sau nhiều lần như thế, tôi có cảm giác anh muốn gửi cho mình thông điệp “Một là em làm, hai là em bảo anh làm chứ đừng động tới con anh”. Anh làm tôi thấy ái ngại, không muốn kêu cháu làm những chuyện lặt vặt, dù nó cần thiết cho đời sống của cháu sau này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI