Đức yêu cầu bảo vệ bệnh nhân COVID-19 bị khuyết tật

29/12/2021 - 10:45

PNO - Hôm 28/12, tòa án tối cao của Đức đã ra phán quyết, yêu cầu các bệnh viện phải bảo vệ người khuyết tật, theo các hướng dẫn có tính ràng buộc về mặt pháp lý, trong trường hợp buộc phải vận hành hệ thống phân loại và sàng lọc bệnh nhân.

Phán quyết trên - được đưa ra trong bối cảnh Đức đang phải đối mặt với một làn sóng bùng phát dịch COVID-19 mới, với tốc độ lây lan nhanh chóng do sự xuất hiện của biến thể Omicron - đã yêu cầu các nhà lập pháp nước này tạo ra một khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn tình trạng những người khuyết tật bị đối xử bất công.

Một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt
Một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt

Theo phán quyết, luật pháp cần tạo ra một bộ tiêu chí, mà các bác sĩ sẽ phải tham khảo trước khi quyết định bệnh nhân nào nên được điều trị để cứu sống, nếu các khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU) bị quá tải và các nguồn lực để điều trị bệnh nhân COVID-19 bị cạn kiệt.

Phán quyết này xuất phát từ vụ kiện của một nhóm 9 người bị khuyết tật, đang có các bệnh nền, và lo ngại rằng các hướng dẫn y tế hiện tại sẽ không đủ để bảo vệ họ, và có khả năng họ sẽ không được ưu tiên điều trị nếu bị nhiễm COVID-19 với các diễn biến nặng.

Nhóm người này kêu gọi các nhà lập pháp Đức đưa ra các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, để các bệnh viện xác định bệnh nhân nào nên được tiếp tục được điều trị và cứu sống.

Một trong những người khiếu nại, Nancy Poser, là một thẩm phán 42 tuổi tại một tòa án quận ở phía tây thành phố Trier, đang mắc chứng teo cơ tủy sống. “Các nhà làm luật có trách nhiệm bảo vệ chúng tôi, dựa trên sự hiểu biết rõ ràng rằng những người tàn tật như tôi cần được luật pháp bảo vệ, nhất là trong những trong tình huống khẩn cấp”, cô Poser chia sẻ với tờ báo địa phương Der Spiegel.

Trong phán quyết của mình, tòa án tối cao Đức nói rằng quốc hội chưa thực hiện đúng một nội dung trong hiến pháp, theo đó “mọi người không được xem thường những người khuyết tật”.

Vấn đề này đã gây ra tranh luận trong nhiều năm ở Đức, và tòa án đã xem xét vụ kiện trong 18 tháng qua, kể từ khi nó được đưa ra vào giai đoạn đầu của đại dịch.

Đến nay, Đức vẫn chưa vận hành chính sách phân loại và sàng lọc bệnh nhân COVID-19, mặc dù một số nước khác ở châu Âu, trong đó có Ý, đã thực hiện việc này.

Trong những tháng gần đây, trước tình trạng các khu vực chăm sóc đặc biệt bị quá tải ở một số thành phố của Đức, nhiều bệnh nhân tại đây đã được chuyển đến các vùng khác trong nước và ra nước ngoài, với sự hỗ trợ của lực lượng không quân.

Phán quyết nói trên đã được Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach hoan nghênh. “Người khuyết tật cần được nhà nước bảo vệ hơn bất kỳ đối tượng nào khác, đặc biệt là trong trường hợp các bệnh viện phải chọn lựa bệnh nhân để điều trị và cứu sống”, ông Lauterbach viết trên Twitter. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh, nước Đức cần cố gắng tránh rơi vào những tình huống này, bằng cách thực thi “các biện pháp phòng chống dịch và tiêm chủng hiệu quả”.

Gần đây, Đức đã áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt hơn, và đang thúc đẩy việc tiêm vắc xin tăng cường (mũi 3), cũng như tăng tỷ lệ những người tiêm lần đầu. Hiện, chỉ hơn 70% người Đức đã được tiêm chủng đầy đủ. Dự kiến trong tháng tới, các nhà lập pháp nước này sẽ bàn về việc ban hành các quy định tiêm ngừa COVID-19, nhằm cải thiện tỷ lệ này.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI