Đức rút lại tuyên bố lạc quan về vắc-xin COVID-19

13/08/2020 - 18:07

PNO - Người phát ngôn của cơ quan y tế công cộng cho hay tài liệu xuất bản là một phiên bản cũ của các nghiên cứu đang được cơ quan này tiến hành.

Viện Robert Koch (RKI) - đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Đức về bệnh truyền nhiễm - trước đó đã đăng tải một bài viết với tuyên bố một loại vắc-xin phòng COVID-19 có thể được ra mắt vào mùa thu này.

Viện RKI đã phải rút bài viết khỏi trang web hôm 13/8 với lý do “nhầm lẫn”. Ảnh: DW
Viện RKI đã phải rút bài viết khỏi trang web hôm 13/8 với lý do “nhầm lẫn” - Ảnh: DW

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, RKI đã phải rút bài viết khỏi trang web của viện vào hôm nay 13/8 với lý do “nhầm lẫn”. Người phát ngôn của cơ quan y tế công cộng này cho hay tài liệu được xuất bản là một phiên bản cũ của các nghiên cứu đang được cơ quan này tiến hành.

Bài báo trên trang tin của RKI nói trên được viết bằng tiếng Đức có tựa đề “Đại dịch ở Đức trong những tháng tới”. Nội dung có đoạn cho biết: “Dự báo sơ bộ cho thấy một số loại vắc-xin có vẻ khả thi vào mùa thu 2020”.

Lỗi của RKI xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại ở Đức về tình trạng nhiễm vi-rút gia tăng. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn đã kêu gọi người dân cảnh giác khi quốc gia này có báo cáo số ca bệnh hàng ngày đã tăng cao kỷ lục kể từ mốc ngày 9/5.

Ông Spahn cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với vắc-xin mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin tung hô. Cùng với Mỹ và phương Tây, Đức đang “hòa vào bản hợp ca” lo lắng việc Moscow nhanh chóng phê duyệt loại thuốc dự phòng mới của mình.

“Theo hiểu biết của chúng tôi, nó vẫn chưa được kiểm tra đầy đủ”, Spahn nói. Ông cũng cho rằng các nhà chức trách Nga đã không minh bạch về các phương pháp nghiên cứu và thử nghiệm.

Như đã thông tin, Nga phê duyệt vắc-xin phòng COVID-19 vào thứ Ba sau khi thử nghiệm trên người trong chưa đầy hai tháng. Tổng thống Putin xác nhận về sự an toàn của nó, thậm chí, cho biết con gái của ông đã được tiêm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết họ không có đủ thông tin để đánh giá về vắc-xin của người Nga.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã vượt qua con số 20,4 triệu người. Hơn 12,7 triệu trường hợp đã khỏi bệnh đi kèm với hơn 745.000 ca tử vong.

Quốc Ngọc (Theo DW, Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI