Đưa con về quê

06/02/2023 - 06:58

PNO - Những ngày qua, rũ bỏ những bận bịu, mẹ đưa con về quê ăn tết, trả lời hàng vạn câu hỏi về gà, vịt, mèo… cũng là đưa chính mình quay về với tuổi thơ.

 

Con trai tác giả đã có những ngày về quê  với hàng vạn câu hỏi thú vị về gà, vịt, mèo…
Con trai tác giả đã có những ngày về quê với hàng vạn câu hỏi thú vị về gà, vịt, mèo…

Con sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Quê, chốn mỗi lần tết đến mẹ luôn quay về với bất cứ giá nào, là quê của mẹ. Mỗi lần nghe mẹ và ngoại nhắc về quê, con lại buột miệng hỏi: “Về cái nhà có đoàn tàu hả mẹ?”. 

Đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi là con chỉ có thể diễn đạt đến thế nhưng mẹ biết khắc sâu trong tâm trí con là hình ảnh về một xóm nhỏ với những ngôi nhà chung hàng rào và cánh cửa hiếm khi đóng.

Ở đó có ngôi nhà của ngoại nằm ở lưng chừng gò, bầy gà vịt quanh quẩn trong sân. Phía dưới, trước tầm mắt con là đường tàu.

Đường tàu đó, khi con vừa biết đi, mỗi lần nghe tiếng còi kéo dài từ xa vọng tới, con lũn chũn chạy ra ngóng nhìn xuống. Mẹ vừa giữ con đứng vững vừa bảo “Đó là con tàu”.

Tết rồi, vừa về đến nhà ngoại, con đã phóng bàn chân bé xíu ra sân ngóng nhìn, hét inh ỏi: “Tàu, mẹ ơi tàu”. Rồi thì con chu miệng “hú” và “xình xịch xình xịch” nhại theo âm thanh đang mỗi khắc một gần.

Có lẽ, cũng như mẹ của ngày nào đó, trong tâm trí con, đoàn tàu ấy là một thế giới thật khác, như bọn trẻ trong tác phẩm kinh điển Những đứa trẻ đường tàu của Edith Nesbit lúc nào cũng tưởng tượng về một cuộc phiêu lưu với đầy tình tiết kỳ thú qua những chuyến tàu chạy ngang nhà. Hoặc, như Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, háo hức chờ đợi đoàn tàu vì nó chứa thật nhiều ao ước, với tiếng leng keng và ánh sáng lung linh như chỉ có trong cổ tích. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Đoàn tàu chạy qua, bầy gà vịt trong sân cũng gào lên inh ỏi. Mớ âm thanh cộng hưởng khiến chú mèo rình chuột trong góc bếp cũng hốt hoảng kêu “ngao ngao”.

Sân nhà ngày tết chỉ đơn giản thế nhưng là cả một thế giới lạ lẫm đối với con. Mẹ hay bảo mang con về quê là mang con về tuổi thơ của mẹ, để mẹ mướt mồ hôi trả lời những câu hỏi như: “Sao con mèo đuổi con vịt hoài vậy mẹ?”, “Sao con gà kêu to vậy mẹ?”, “Nhà con vịt ở đâu vậy mẹ?”…

Buổi sáng, mở mắt dậy, câu con hay hỏi đầu tiên là “Con gà ò ó o chưa mẹ?”, rồi con ra hè nhìn đám gà con, thêm chú mèo ngồi gãi mặt bên góc rào.

Mẹ lấy một ít cơm nguội, rủ con mang cho gà vịt ăn. Con vốc cơm bằng bàn tay bé xíu, vãi ra sân, ngọng líu ngọng lo: “Gà ơi, cơm ngon nhắm” rồi bấu lấy tay mẹ khi bỗng có chú gà con vấp chân, ngã lăn ra. “Gà đau rồi mẹ” - con nói. Có lẽ ngày bằng tuổi con, mẹ cũng nói với ngoại những câu tương tự. 

Tàn “tiệc cơm”, con sẽ cười hắc hắc mà rượt đuổi khiến bầy gà chạy tán loạn, rồi tóm lấy chú gà chậm chân nào đó, ôm chặt vào lòng như một người bạn. 

 

Những ngày tết ở quê của con dường như chỉ có thế. Rồi năm sau, năm sau và năm sau nữa, có lẽ mẹ sẽ kể con nghe câu chuyện về một đứa trẻ mỗi chiều đội chiếc thúng trên đầu, nhặt bã mía khô trên đường ray đem về đốt. Bã mía khô nhạy lửa, bà ngoại để dành dùng làm mồi nhóm củi. Hôm nào nhà hết củi, chúng lại đóng vai chính trong bếp cho nồi cơm chiều.

Mẹ ngày ấy chỉ học buổi sáng, buổi chiều nếu không đi nhặt bã khô thì sẽ cùng bạn bè mót khoai lang, lượm củi. Trong những cuốn tiểu thuyết, tình tiết đó thường gắn với những đứa trẻ bất hạnh nhưng với mẹ thì ngược lại. Đó là những buổi chiều hạnh phúc, bọn mẹ rượt đuổi nhau, thi thố nhau… Hôm nào, vì lý do gì đó, nhìn bạn bè đội thúng đi mà mình không thể tham gia cùng, mẹ sẽ âu sầu đến cả sáng hôm sau. 

Giờ thì mẹ con mình lại lên tàu trở về Sài Gòn. Những ngày qua, rũ bỏ những bận bịu, mẹ đưa con về quê ăn tết, trả lời hàng vạn câu hỏi về gà, vịt, mèo… cũng là đưa chính mình quay về với tuổi thơ. 

Thu Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI