Đứa bé bên trong

19/09/2020 - 19:24

PNO - Trải qua rất nhiều cuộc trò chuyện, tư vấn cho bạn bè và đặc biệt qua chính sự trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng: đa số chúng ta đều hay rơi vào trạng thái bế tắc, phần lớn là bế tắc trong sự nghiệp, tiếp theo là tài chính và cuối cùng là gia đình.

Tại sao chúng ta thường bế tắc? Nguyên nhân có phải từ những thứ bên ngoài kia tác động vào ta không?

Người ta hay nói do thời vận, nhưng có những người nửa đời trôi qua mà vẫn bế tắc đấy thôi. Chúng ta hãy hình dung thế này, thân người có lúc béo lúc gầy, nhưng nếu có bệnh thì béo hay gầy cũng đều là yếu. Bệnh đây là những căn bệnh cứ âm ỉ trong người và không tìm ra phương thuốc. Sự bế tắc cũng vậy, nó xuất phát từ sự dồn nén lâu ngày trong tâm.

Người ta bị dồn nén ngay từ khi còn thơ bé, ta không được định hướng để là chính mình. Cha mẹ chỉ dạy con cách học hành, cách giao tiếp, nhưng hiếm ai dạy con mình cách tự đối thoại và gột rửa chính mình hằng ngày.

Mỗi sự khó chịu, chịu đựng không được nói ra, nó sẽ lớn lên từng ngày và dồn nén vào tâm trí chúng ta. Khi quá lớn, nó sẽ che lấp hết mọi cảm xúc. Ta làm gì, nghĩ gì, cũng thấy trong mình tồn tại một nỗi buồn khó gọi tên. Để rồi ta nghĩ rằng do những người xung quanh không hiểu ta, ta thiếu một tri kỷ. Tuy nhiên nó không phải như vậy, ta buồn và mất phương hướng, là do ta đã bỏ rơi “đứa bé” bên trong chính mình.

Tất cả chúng ta đều là những “đứa bé” nằm bên trong cái vỏ bọc thân xác lớn lên và lão hóa từng ngày kia. Vậy một “đứa bé” cần gì? Nó cũng cần được chăm sóc, được trò chuyện, sẻ chia và thấu hiểu. Hãy hình dung về một đứa bé bên ngoài như con ta trước nhé.

Ta nghĩ trẻ hôm nay có việc tức giận, ngày mai chúng sẽ quên. Nhưng thực ra chúng chỉ tạm quên thôi, còn những điều đó đã được ghi lại trong tiềm thức, và chúng cứ tăng dần lên hằng ngày. Đến một lúc nào đó, tâm thức của đứa bé bị dồn nén quá mức sẽ khiến chúng phát điên, nổi loạn hoặc tự kết liễu cuộc đời mình.

“Đứa bé” trong ta cũng như thế đó, và chúng ta phải làm gì với nó?

Đừng nghĩ là quá muộn, bởi chỉ cần chúng ta nhận ra được nguyên nhân căn bệnh của mình, thì ta sẽ chữa lành được nó thôi. Hãy là bác sĩ của chính mình, tự mình đối thoại với tâm mình hằng ngày, có thể bằng cách thiền định, hoặc nhìn mình trong gương.

Hãy lắng nghe và nuôi nấng đứa trẻ bên trong chính bạn. Ảnh minh họa
Hãy lắng nghe và nuôi nấng đứa trẻ bên trong chính bạn. Ảnh minh họa

Hãy thành thật với chính mình, để loại bỏ đi sự đánh lừa bản thân. Nếu ta làm điều gì sai, hãy tự nhìn mình trong gương và nhận lỗi. Ta không cần công khai nhận lỗi với mọi người, vì điều đó chỉ làm ta thêm áp lực. Hãy nhận lỗi với chính mình. 

Bạn là tổng hợp của nhiều con người, nhiều tính cách, nhiều đổi thay. Vì thế, cách duy nhất để hiểu mình, đó là hãy nói chuyện với chính mình, chứ không phải đi tìm một bác sĩ tâm lý để chữa bệnh. 

Người ta nói ta không được là chính mình vì ta không được làm điều ta thích, không được thực hiện đam mê hay ước mơ. Không phải đâu, ta không còn là chính mình bởi hằng ngày ta đánh mất dần đi sự giao tiếp liên hệ với chính con người - hay “đứa bé” trong tâm mình mà thôi.

Ta không hiểu được chính mình, thì còn mong ai hiểu được ta? 

Phù Vân Tử

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI