Đồng bằng sông Cửu Long thoát cảnh “vùng trũng giáo dục” nhờ khuyến học hiệu quả

09/05/2025 - 06:32

PNO - Nhờ sự quyết tâm của các cấp chính quyền và phong trào khuyến học sôi nổi, hiệu quả, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giảm hẳn tình trạng thất học, bỏ học giữa chừng, không còn là “vùng trũng giáo dục”.

Phan Hà Mỵ tâm sự, được theo đuổi ước mơ đến giờ này, bên cạnh quyết tâm của bản thân, còn nhờ công trợ giúp của thầy cô và các nhà hảo tâm. Vì vậy, khi ra trường, cô sẽ trở về huyện nhà góp sức cho ngành giáo dục, chăm sóc bà nội và nếu có điều kiện thì đóng góp cho quỹ khuyến học địa phương.

Hiện nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có trường đại học hoặc phân hiệu đại học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng - ẢNH: HUỲNH LỢI (chụp tại Trường đại học Trà Vinh)
Hiện nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có trường đại học hoặc phân hiệu đại học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng - Ảnh: Huỳnh Lợi (chụp tại Trường đại học Trà Vinh)

Gia cảnh ngặt nghèo, vẫn thênh thang đường học

Nhà Phan Hà Mỵ nằm ở vùng sâu của xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Mỵ học tới lớp Ba thì mẹ qua đời, còn cha thì mất sức lao động, trong khi không có đất đai canh tác. Cuộc sống thiếu thốn khiến cha cô không thể lo cho cô học tiếp. Được hội khuyến học của huyện hỗ trợ học phí, Mỵ mới có cơ hội tiếp tục đến trường.

Thế nhưng, đến năm học 2022-2023, khi Mỵ đang học lớp Mười hai với ước mơ trở thành giáo viên mầm non thì biến cố lại ập đến: cha cô qua đời ở tuổi 49. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Mỵ được bà nội đưa về nhà ở cùng. Được thầy cô và hội khuyến học huyện trợ giúp 2 triệu đồng/quý, Mỵ tiếp tục con đường học tập.

Với thành tích học giỏi từ lớp Một đến lớp Mười hai, Mỵ được xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non, Trường đại học Trà Vinh. Tại đây, Mỵ được quỹ từ thiện Trí Tuệ tặng học bổng 4 triệu đồng để yên tâm học hành. Giờ đây, cô đã là sinh viên năm thứ hai của Trường đại học Trà Vinh.

Năm 2018, Nguyễn Kim Lài (xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) vào ngành điều dưỡng, Trường đại học Trà Vinh nhưng được một thời gian thì nhận ra mình yêu thích và có năng khiếu ở ngành ngôn ngữ. Thế là cô xin chuyển sang học ngành ngôn ngữ Trung Quốc cùng trường. Gia cảnh khó khăn nên cô cố gắng học tập thật tốt để được nhận học bổng bù đắp học phí.

Nỗ lực này đã được đền đáp: cô nhận được học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập xuất sắc, học bổng dành cho nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc. Những học bổng này giúp cô yên tâm học hành. Năm 2024, sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Nguyễn Kim Lài nhận được học bổng của Chính phủ Trung Quốc cấp cho sinh viên quốc tế, trị giá 1,2 tỉ đồng.

Chị Đào Thị Xuyến - ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - kể, vợ chồng chị đều phải đi làm thuê do nhà không có đất để làm vườn, ruộng. 2 đứa con chị đều học giỏi nhưng gia cảnh khó khăn, vợ chồng chị nhắm không thể cho chúng học lên cao. Năm 2024, khi con trai lớn tốt nghiệp THPT, anh chị định cho con “nối nghiệp” làm thuê. “May nhờ có hội khuyến học địa phương giúp đỡ tiền bạc, động viên, nay cháu đã vào được đại học, ngành công nghệ thông tin” - chị phấn khởi.

Học sinh Trường THPT Phạm Hùng, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long được học trong ngôi trường khang trang, hiện đại
Học sinh Trường THPT Phạm Hùng, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long được học trong ngôi trường khang trang, hiện đại

Giáo dục phát triển nhờ khuyến học hiệu quả

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước. Thế nhưng, trong một thời gian dài, đây lại là “vùng trũng giáo dục” của cả nước với tỉ lệ mù chữ, bỏ học sớm cao. Hơn 10 năm trở lại đây, nhờ phong trào khuyến học sôi nổi và hiệu quả, sự học ở vùng này đã được cải thiện rõ rệt.

Theo báo cáo phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số cơ sở giáo dục đại học vùng này đã tăng từ 13 lên 21 sau 10 năm (2010-2020). Hiện nay, 10/13 tỉnh, thành phố trong vùng có trường đại học). 3 tỉnh chưa có trường đại học là Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng.

Một sự kiện được xem là dấu mốc phát triển của giáo dục ĐBSCL là ngày 5/5 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã quyết định thành lập phân hiệu Trường đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng. Trước đó, tỉnh Cà Mau đã có chi nhánh Đại học Bình Dương, Bến Tre có phân hiệu Đại học Quốc gia TPHCM.

Như vậy, 3 tỉnh ở ĐBSCL chưa có trường đại học nhưng đã có phân hiệu hoặc chi nhánh đại học. Sinh viên ở khu vực ĐBSCL có thể được đào tạo trình độ từ đại học đến tiến sĩ ngay trên quê hương. Quy mô sinh viên ở ĐBSCL hiện có khoảng 150.000 người.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm tỉnh có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Việc thành lập phân hiệu Trường đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng sẽ giúp các em học sinh trên địa bàn thuận lợi trong việc tiếp cận giáo dục đại học, góp phần rất lớn vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, những năm qua, giáo dục ở vùng ĐBSCL có bước tiến vượt bậc và đạt kết quả quan trọng. Từ những kết quả đạt được, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu đến năm 2030, vùng này có 75% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 80% trường THCS và 90% trường THPT đạt chuẩn quốc gia, quy mô đào tạo đại học đạt 260 sinh viên/10.000 dân.

Cùng với sự đầu tư của chính quyền các cấp, các mô hình khuyến học đã góp phần quan trọng vào sự đi lên của giáo dục vùng này. Suốt 17 năm qua, ông bà Doãn Tới - Dương Thị Kim Hương (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã duy trì quỹ Khuyến tài Doãn Tới, trao tặng học bổng cho gần 7.000 học sinh, sinh viên, với khoảng 90% người được giúp ra trường, có việc làm ổn định. Chỉ tính riêng năm học 2024-2025, quỹ này đã trao 140 suất học bổng, tổng trị giá 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tấn Danh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang - đánh giá, học bổng Khuyến tài Doãn Tới đã trao cơ hội học tập cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, là nguồn động viên tinh thần to lớn, khơi dậy niềm đam mê, khát vọng thành công của học sinh, sinh viên. Sự đóng góp của quỹ học bổng này đã và đang góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà.

Để thu hút và tiếp sức sinh viên đến giảng đường, nhiều trường đại học ở vùng ĐBSCL cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến học hấp dẫn. Chẳng hạn, Trường đại học Trà Vinh có học bổng tương đương 30 - 50% học phí dành cho nữ sinh viên theo học một số ngành công nghệ, kỹ thuật; giảm thêm 30% học phí toàn khóa học bên cạnh mức giảm 70% theo chính sách nhà nước cho sinh viên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống, kèm hỗ trợ chi phí học tập 450.000 đồng/sinh viên/tháng.

Ông Lê Hoàng Dự - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau - cho hay, do sông rạch chằng chịt, việc đi lại khó khăn nên trước đây, việc dạy và học ở vùng ĐBSCL rất gian nan. Nhưng những năm gần đây, điều này đã được cải thiện nhờ sự đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và trường lớp. Ngoài ra, các tổ chức khuyến học cũng hoạt động tích cực, hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 379/493 trường đạt chuẩn quốc gia.

Học sinh ở  một số vùng của tỉnh An Giang phải đến trường  bằng vỏ lãi.  Mặc dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc học nhưng tình trạng bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể nhờ công tác khuyến học  được chú trọng
Học sinh ở một số vùng của tỉnh An Giang phải đến trường bằng vỏ lãi. Mặc dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc học nhưng tình trạng bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể nhờ công tác khuyến học được chú trọng

Mỗi tỉnh trao học bổng hàng chục tỉ đồng/năm

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đánh giá, các cấp hội khuyến học đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Hiện nay, Hội Khuyến học tỉnh An Giang có 2.684 chi hội, với 452.298 hội viên. Chỉ tính riêng năm 2024, các cấp hội khuyến học đã trao học bổng với tổng trị giá 48,6 tỉ đồng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và đặt chỉ tiêu vận động, trao học bổng khoảng 50 tỉ đồng trong năm 2025.

Theo Hội Khuyến học TP Cần Thơ, năm 2024 các cấp hội khuyến học đã vận động được khoảng 69 tỉ đồng, trao 11.110 suất học bổng, 48.750 suất quà, 17.000 phần thưởng, 500 xe đạp cùng thẻ bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập cho học sinh, sinh viên. Hội cũng quan tâm xây dựng xã hội học tập. Toàn thành phố có khoảng 229.600 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 671 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, 571 cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng học tập, 700 đơn vị đạt đanh hiệu đơn vị học tập.

Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cho hay, hằng năm, các cấp hội trong tỉnh vận động và trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học với tổng trị giá trên 50 tỉ đồng, xây dựng hàng chục căn nhà khuyến học hỗ trợ cho học sinh, sinh viên gặp khó khăn về nhà ở. Đến năm 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 178.315 gia đình học tập, 3.484 dòng họ học tập, 826 cộng đồng học tập.

Ý kiến:

Sắp xếp lại cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng

Tỉnh Kiên Giang có 621 đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó trường hạng II và hạng III (có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ) chiếm gần 70%, chủ yếu là trường tiểu học và trường THCS. Để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh giảm được 40 trường, 521 điểm lẻ, 525 nhóm, lớp lẻ. Việc sắp xếp này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Số trường phổ thông giảm nhằm hạn chế tối đa trường quy mô nhỏ, manh mún nhưng số trường mầm non tăng nhằm đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục mầm non.

Trong giai đoạn 2025-2030, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang tiếp tục sắp xếp lại các trường phổ thông theo hướng giảm số lượng trường có quy mô nhỏ, điểm lẻ, tăng số trường mầm non và trường phổ thông có nhiều cấp học; rà soát, điều chỉnh quy hoạch giáo dục phù hợp với thực tế; ưu tiên quỹ đất cho giáo dục; hiện đại hóa trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; đề xuất HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên chuyển công tác từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Ông TRẦN QUANG BẢO - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang

Nâng cao trình độ giáo viên, cán bộ quản lý

Năm 1992, khi tái lập tỉnh, toàn tỉnh Trà Vinh chỉ có khoảng 1.800 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, trường lớp thiếu thốn. Đến nay, toàn tỉnh có hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, thạc sĩ và hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học.

Đảng bộ, chính quyền tỉnh cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên 142.000 lượt cán bộ, trong đó có đào tạo ở nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, 100% trường học trong tỉnh được kiên cố hóa và tất cả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THPT. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao về chất lượng và số lượng, với 99% đạt chuẩn và trên chuẩn.

Ông LÊ VĂN HẲN - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI