Di sản của gia đình

17/03/2023 - 18:49

PNO - Nhưng người già và ký ức của họ vẫn là di sản lớn lao của gia đình, dòng họ. Sự hiện diện của họ là cội rễ thật dài và thật sâu kết nối quá khứ với hiện tại.

Mới đó mà nội đã đi được vài tuần. Mấy năm nay nội già yếu, chẳng còn nhận ra ai nữa. Nhưng người già lạ lắm, chỉ cần họ còn ở đó đã là di sản lớn lao với lớp con cháu trong nhà. Nội đi rồi, nhìn căn nhà trống huơ, nhìn nắng rớt buồn ngoài thềm vắng mới nhận ra tôi bị mất kết nối với quá khứ, với những đoạn ký ức của gia đình chồng mà chỉ có nội mới có thể kể được. 

Nội hồi đó hay kể chuyện ngày xưa - những đoạn ký ức rời rạc, kể người này người kia trong dòng họ, kiểu như nhớ đến đâu thì kể đến đó chứ chẳng có trình tự gì. Dáng người nội nhỏ nhắn, vậy mà sinh một lèo 8 người con. Thời loạn lạc, chiến tranh, gồng gánh đàn con thơ đâu phải chuyện dễ. Rồi ông bà dắt díu đàn con di cư vào Sài Gòn tránh bom rơi đạn lạc, làm đủ thứ nghề mưu sinh.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Ông nội mất, một mình bà làm chỗ dựa cho con. Nội phúc hậu hiền từ, sống gần trọn trăm năm, đã đi qua bao nhiêu dâu bể nên chuyện nội kể chẳng bao giờ cạn. Tôi chân ướt chân ráo về nhà chồng, nhờ những câu chuyện ấy mà hình dung rõ hơn về từng người trong nhà.

Các cô các chú cũng vì hồi đó nhà nghèo mà phải ra đời bươn chải sớm nên nội khuyên con cháu ráng học để có cái chữ lận lưng. Sau này gia đình đã không còn khó khăn nhưng tính nội vẫn tiết kiệm và giản dị như xưa. Đứa nào bỏ phí đồ ăn, nội lại kể chuyện hồi trước cực khổ, cơm không có ăn, phải độn khoai độn sắn chứ đâu như cơm trắng thịt nạc như bây giờ mà còn chê lên chê xuống. Tụi cháu nhìn chén cơm mình bỏ mứa, cố hình dung ra cái nồi cơm nhưng chỉ dính vài hạt trên lớp khoai lớp sắn trắng phau, hình dung ra cái thời chỉ đến tết mới được ăn vài miếng thịt mà cũng là thịt mỡ chứ có được ngon như bây giờ. 

Chúng tôi sinh con, nội thành bà cố, bế đứa chắt đầu tiên mà nội rưng rưng. Dịp tết, cả gia đình lại tụ họp vòng tay chúc tết nội. Nội cười hiền từ, móc ra mấy phong bao mừng tuổi. Quanh năm tất bật, có đứa này thì thiếu đứa kia, đến tết mới đông đủ. Niềm vui người già chỉ gói ghém trong những khoảnh khắc bình dị như thế.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Bạn tôi nói, ông nội nó bảo rằng mình già yếu rồi, ông hay buồn vì nghĩ mình là gánh nặng cho con cho cháu. Có lẽ rất nhiều người già đang mang trong mình suy nghĩ như thế khi nhìn mái tóc bạc như cước, đôi tay cầm chén ăn cơm cũng run, bước chân ra đến thềm nhà cũng mệt, rồi bao nhiêu thuốc men cho những căn bệnh cố hữu…

Nhưng người già và ký ức của họ vẫn là di sản lớn lao của gia đình, dòng họ. Sự hiện diện của họ là cội rễ thật dài và thật sâu kết nối quá khứ với hiện tại. Ngoài họ ra, chẳng ai có được thứ sức mạnh đủ để bện chặt tình máu mủ ruột rà của các thế hệ trong gia đình.

Khi nhìn một người già, tôi luôn muốn nói với họ rằng họ là cội rễ, mà cội rễ vững vàng thì hạnh phúc luôn nở hoa. 

Như Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI