Đề xuất giảm 10% số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập

30/10/2019 - 15:58

PNO - Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan còn cồng kềnh, phân tán.

Chiều 30/10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên thảo luận tại kỳ họp thứ tám về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch năm 2020. 

Bắt đầu phiên thảo luận chiều nay, đại biểu Phạm Xuân Thăng (tỉnh Hải Dương) cho rằng, tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan chưa thực sự tinh gọn. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán, xã hội hóa sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này phản ánh khá rõ trong chi ngân sách thường xuyên.

De xuat giam 10% so nguoi lam viec trong cac don vi su nghiep cong lap
Đại biểu Phạm Xuân Thăng 

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực giảm chi thường xuyên, nhưng những bất hợp lý trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm qua chưa được khắc phục triệt để. Có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ chi thường xuyên vẫn cao trong ngân sách: năm 2017 là 64,4%, dự toán chi thường xuyên năm 2020 là 60,5%. 

Nhiều địa phương có nguồn thu thấp nhưng chi thường xuyên còn cao, nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn rất hạn chế. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân đáng chú ý là việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực sự quyết liệt, việc thực hiện cơ chế tự chủ các đơn vị này còn rất hạn chế.

"Hiện cả nước có gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 2 triệu người hưởng lương từ ngân sách, quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng hiệu quả dịch vụ thấp, chi tiêu ngân sách Nhà nước còn quá lớn. Một số đơn vị bị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp" - ông Thăng nhận xét.

Đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên, đại biểu Thăng đề xuất Chính phủ đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu đến năm 2021, giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đến 2025 tiếp tục giảm 10% và đến năm 2030, chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý Nhà nước.

Cùng với phần thảo luận của đại biểu, các thành viên Chính phủ sẽ được mời giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước từ ngày 30/10 - 1/11/2019.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI