Đề xuất định danh người bán hàng online qua VNeID

10/07/2025 - 11:25

PNO - Đây là một trong những điểm mới được Chính phủ nêu trong đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử.

Toàn cảnh phiên họp thứ 47 của Ủy ban thường vụ Quốc hội - ảnh: QH
Toàn cảnh phiên họp thứ 47 của Ủy ban thường vụ Quốc hội - ảnh: QH

Sáng 10/7, tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày tờ trình của Chính phủ về đề xuất xây dựng 4 dự thảo luật gồm: Dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự thảo Luật An ninh mạng; dự thảo Luật Thương mại điện tử; dự thảo Luật Giám định tư pháp (thay thế).

Đáng lưu ý, trong dự thảo Luật Thương mại điện tử, Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình thương mại điện tử mới như livestream, tiếp thị liên kết, nền tảng tích hợp.

Dự luật bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và cơ chế kiểm soát hàng vi phạm.

Dự luật bổ sung quy định về giao kết hợp đồng tự động, hợp đồng thông minh trong thương mại điện tử, phù hợp với xu hướng công nghệ mới và bảo đảm sự hài hòa với Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử.

Đồng thời, quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng đa dịch vụ, kiểm soát hành vi lạm dụng vị thế thị trường, thao túng thuật toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống thất thu thuế từ giao dịch phi chính thức.

Trách nhiệm và điều kiện hoạt động của nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có giao dịch tại Việt Nam sẽ được quy định rõ ràng, đảm bảo năng lực pháp lý, kỹ thuật, tài chính để kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự luật xác định rõ trách nhiệm các chủ thể cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, chứng thực hợp đồng điện tử và cơ chế phản ứng nhanh khi phát hiện vi phạm pháp luật thương mại điện tử.

Cùng với đó, dự luật sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử bao trùm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ… phát triển thương mại điện tử một cách bền vững.

Thẩm tra dự án Luật Thương mại điện tử, theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan nhận thấy, các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên Tờ trình chưa làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thương mại điện tử với các luật liên quan, chưa chỉ rõ các bất cập, chồng chéo hay khoảng trống pháp lý cần được khắc phục.

Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cần rà soát kỹ, làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo Luật, tránh trùng lặp, mâu thuẫn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử có bản chất xuyên biên giới, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong và ngoài nước thông qua các hình thức hoạt động đa dạng như đầu tư, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, giao dịch và hỗ trợ thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài...

Quá trình xây dựng Luật cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI