Để xóa bỏ vòng luẩn quẩn trong chăn nuôi

25/07/2025 - 07:06

PNO - Để ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định và bền vững, cần có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu đầu tư.

Dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục là mối lo ngại lớn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 636 ổ dịch xảy ra tại 30/34 tỉnh, thành với hơn 42.000 con heo bị tiêu hủy. Dịch bệnh có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các địa phương có tổng đàn lớn. Hiện vẫn còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống ASF, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế phát sinh ổ dịch mới, chủ động có các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại.

Năm 2019, ASF lần đầu xuất hiện ở Việt Nam và nhanh chóng lây lan, khiến gần 6 triệu con heo bị tiêu hủy; tổng chi phí phòng, chống dịch lên đến 12.000 tỉ đồng; tổng đàn heo giống và heo thịt trên cả nước sụt giảm nghiêm trọng, có nơi tới 50%. Sau đó, ngành nông nghiệp đã nỗ lực tái đàn bằng nhiều giải pháp như ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, tăng cường nhập khẩu heo giống từ các nước. Nhờ đó, chỉ sau khoảng 1 năm, đàn heo đã được khôi phục.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa dứt hẳn. Năm 2023, cả nước vẫn phải tiêu hủy hơn 44.000 con heo. Đến năm 2024, lại xuất hiện hơn 1.540 ổ dịch, khiến khoảng 88.300 con heo bị tiêu hủy. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, vi rút ASF rất nguy hiểm, có khả năng tồn tại lâu trong môi trường và đường lây truyền phức tạp, khó kiểm soát.

Sau mỗi đợt dịch tạm lắng, người dân nuôi lại đàn heo nhưng vẫn chủ quan, chưa tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học trong khi mầm bệnh vẫn tồn tại, dễ dàng lây lan trở lại. Chính quyền một số địa phương cấp xã vẫn chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này hoặc thiếu lực lượng thú y, hóa chất để xử lý, phòng ngừa. Đây là những hạn chế cần được khắc phục cấp bách.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, duy trì tổng đàn heo ở quy mô 29-30 triệu con (đứng thứ sáu thế giới), trong đó đàn heo giống đạt 2,5-2,8 triệu con; đẩy mạnh mô hình chăn nuôi trang trại, công nghiệp, phát triển các giống heo cao sản và mở rộng quy mô đàn theo hướng hữu cơ.

Tuy nhiên, không dễ để đạt được mục tiêu này bởi tình trạng chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn còn phổ biến, nguồn giống chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc tiêm phòng chưa được quan tâm, hệ thống chuồng trại chưa được đầu tư bài bản. Dịch bệnh thường xuyên tái diễn, cộng với giá con giống, thức ăn, thuốc thú y tăng cao trong khi giá heo thịt lại lên xuống thất thường khiến người nuôi dè dặt, không dám đầu tư. Đây là cái vòng luẩn quẩn.

Để ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định và bền vững, cần có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu đầu tư. Cần hoàn thiện các nhóm chính sách quan trọng, trong đó ưu tiên giao đất, cho thuê đất để phát triển các trang trại nuôi heo tập trung, công nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện an toàn sinh học; xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành chuyên môn cần hỗ trợ các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo áp dụng quy trình khép kín, tuần hoàn; xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới; tăng cường nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin, thuốc và chế phẩm thú y để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Song song với đó, cần thúc đẩy sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi trong việc xây dựng vùng nuôi heo an toàn, thân thiện môi trường. Cần đẩy mạnh các chính sách cho vay vốn để phát triển con giống, nuôi heo thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI