Để ký ức tốt đẹp thành nơi trú ẩn an toàn cho trẻ

09/05/2017 - 16:21

PNO - Cảm xúc lõi được nạp vào tự nhiên khi chúng ta còn ấu thơ hoặc rất mong manh, khi chúng ta chưa có kỹ năng tự vệ để biết đóng (hay mở) cánh cửa dẫn thẳng đến trái tim mình.

Hôm đó là buổi ra mắt Inside out - một bộ phim hoạt hình. Câu chuyện của phim xoay quanh việc tìm kiếm sự cân bằng bản thân của một cô bé, khi cô du hành trong cuộc phiêu lưu với năm cảm xúc lõi chi phối tinh thần mình (và của con người nói chung), gồm: vui vẻ, buồn bã, chảnh chọe, giận dữ, sợ hãi.

De ky uc tot dep thanh noi tru an an toan cho tre
 

Nhà phát hành nghĩ ra một game: mỗi vị khách được phát một miếng giấy, họ sẽ viết lại một kỷ niệm đặc biệt ngọt ngào với bản thân, kỷ niệm ấy luôn đồng hành với họ trong những biến cố của cuộc sống. Và người có kỷ niệm thú vị nhất, sẽ được tặng thưởng. Những miếng giấy viết xong, sẽ được dán công khai trên một bức tường để tất cả cùng đọc.

Con gái tôi - một cô bé bảy tuổi, cũng được phát một miếng giấy, nó bò toài ra để viết kỷ niệm. Rồi nghiêm túc mang đi nộp, miếng giấy của nó được dán lên tường. 

Nhà phát hành chắc muốn buổi ra mắt ấn tượng, nên có mời các em bé của cuộc thi The Voice Kids năm ấy đến xem phim. Chi chít những kỷ niệm ngọt ngào nhất thế này: “Con được vào đội của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và ca sĩ Lưu Hương Giang”, “Con nhớ mãi lúc cô Cẩm Ly khen và chọn con về đội của cô”, “Con đã được chú Lam Trường tiến đến ôm và bảo con hát hay”...

Những em bé khác thì ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của mình: “mùa hè con được đi du lịch ở biển”, “bữa đi ăn KFC có cả lớp và con ăn thỏa thích đùi gà chiên”, “con được tặng một bộ robot siêu nhân”, “đó là hôm bạn H. nói là bạn rất thích con”... Tôi nhìn thấy miếng giấy của con gái, con bé ghi rằng: “Con yêu gia đình. Con nhớ lúc mẹ dịu dàng”. Tôi lén bóc miếng giấy cất vào túi, tôi không nỡ để nó lại lạc lõng trên bức tường của những niềm vui nhiều màu sắc kia. 

De ky uc tot dep thanh noi tru an an toan cho tre
 

Miếng giấy ấy cứ ở im trong góc ví của tôi. Thỉnh thoảng tôi có muốn biến mất, thì cái miếng giấy khiến tôi bị vấp và khựng lại. “Con yêu gia đình” - có một em bé tha thiết điều ngọt ngào ấy, tôi phải giữ cái góc ấm cho em bé bằng mọi giá. 

Những hôm gần đây tôi rơi vào trạng thái yếu ớt của tinh thần. Trong những đêm mất ngủ tôi thường nằm thả lỏng xem vô thức dẫn mình về chỗ nào. Hóa ra là một ổ chó bằng lá mía khô, nơi có em bé bốn tuổi ở nhà một mình, rúc vào bụng một con chó mẹ ủ ấm những ngày đông.

Hóa ra là góc vườn thơ thẩn với một bà cụ hàng xóm nghèo khổ, bà lão hiền lành ấy trò chuyện với em bé về từng gốc rau từng ngọn cỏ trong vườn. Em lũn cũn theo bà đi câu cá, đi chăn gà, hái dâu chín, nấu bếp bằng lá khô, gieo những luống đậu...

Ký ức ấy trở lại, Chắc vì đó là hai cái “hốc ấm” tôi thấy đủ an toàn và trìu mến ngoài vòng tay của cha mẹ mình. Nhưng còn đặc biệt hơn, trong cái ổ chó và khu vườn ấy, bé con không bị dạy bảo hay bị lo lắng cấm cản những trò nghịch,  nó được tôn trọng vì là một sinh vật của tự nhiên. Như một con chó con, hay một bụi cây dại mọc lẫn trong vườn - công bằng, trong lành và khỏe mạnh. 

Cũng như câu chuyện trong Inside out, chúng ta vẫn vô thức bị kéo đi và hành xử theo cảm xúc lõi mạnh nhất trong tiềm thức của mình. Có người là sự sợ hãi, có người là nỗi thấp thỏm bất an nào đó, có người là một niềm vui tràn trề, có người là cảm giác thất bại hoặc bị phản bội...

Cảm xúc lõi ấy được nạp vào tự nhiên khi chúng ta còn ấu thơ hoặc rất mong manh, khi chúng ta chưa có kỹ năng tự vệ để biết đóng (hay mở) cánh cửa dẫn thẳng đến trái tim mình. Ngọn gió độc hay gió lành của những hành xử đối với con người bé nhỏ dễ tổn thương ấy, đều có thể ngấm sâu và dài lâu. 

Và đám người lớn nhiều khi vô tâm vô tình, có thể gieo những hạt mầm của lòng rụt rè mặc cảm, những nghi ngờ bản thân, sự oán giận và thói quen đổ lỗi... lên mảnh đất tinh khôi trong khu vườn bí mật nơi tâm hồn một em nhỏ. Nếu chúng ta nhớ, trầm tích trong vùng cảm xúc lõi của một ai đó, sẽ luôn trở lại mỗi khi họ rơi vào trạng huống bơ vơ và cần “hồi sức cấp cứu” cho tinh thần. Thì hẳn ta sẽ cẩn thận vô vàn với những em nhỏ mình từng gặp trong đời, để gieo vào em ấy chỉ những hạt niềm vui, hạt yêu đời và hạt kiêu hãnh vào tồn tại của chính mình... Và mỗi con người mang những hạt giống tốt lành đó, những “Inside out” buồn bã, chảnh chọe, giận dữ, sợ hãi - chỉ là những hương vị khác để cuộc sống của họ đẹp đẽ và nhiều chiều kích thú vị hơn.

Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI