"Đau đầu" vì người lao động về quê sớm để kịp cách ly

17/01/2022 - 06:57

PNO - Do chính quyền một số địa phương quy định cách ly y tế đối với người từ nơi khác đến, không ít công nhân, người giúp việc, lao động thời vụ xin nghỉ sớm, về quê để “kịp ăn tết” khiến doanh nghiệp cũng như nhiều gia đình phải khốn khổ.

Những ngày này, anh Vũ Xuân Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật xây lắp (TP.Hà Nội) - như ngồi trên đống lửa do thiếu nhân công làm việc. Là đơn vị chuyên thi công, lắp đặt hệ thống điện nước trong công trình xây dựng, công ty của anh Hoàng có khoảng 100 công nhân đến từ nhiều tỉnh. Tất cả đều được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. 

“Hằng năm, công nhân thường xin nghỉ vào ngày đưa ông công, ông táo, tức là trước 3-4 ngày so với lịch nghỉ tết chung. Nhưng năm nay, do quy định phòng, chống dịch của một số địa phương nên vừa qua ngày rằm, chúng tôi đã nhận được đơn xin nghỉ của hàng chục công nhân. Họ nêu lý do phải về sớm trước chục ngày để còn cách ly y tế và giúp đỡ gia đình sắm sửa, chuẩn bị đón tết” - anh Hoàng than.

 

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội gặp khó khăn khi người lao động muốn về quê sớm để “trừ hao” khoảng thời gian cách ly y tế trước tết - ẢNH MINH HỌA: NGỌC LINH
Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội gặp khó khăn khi người lao động muốn về quê sớm để “trừ hao” khoảng thời gian cách ly y tế trước tết - Ảnh minh họa: Ngọc Linh

Cũng theo anh Hoàng, thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương bùng  phát dịch COVID-19 mạnh nên nhiều người lao động đã không về quê trong một thời gian dài. Có những công nhân của anh 11 tháng nay chưa về nhà, phần đông cũng 4-6 tháng chưa về nên nay họ muốn về quê sớm để ở quê lâu hơn. “Với việc nhiều công nhân xin nghỉ sớm, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ bị chậm tiến độ thi công, bị phạt tiến độ và gây ảnh hưởng tới cả dây chuyền xây dựng. Đây thực sự là một bài toán hóc búa, đau đầu” - anh Hoàng lo lắng. Anh Hoàng cho hay, các công nhân có tay nghề cao sẵn sàng nghỉ việc nếu các công ty “làm căng”. Do đó, nhiều công ty không dám “mạnh tay” bởi lo ngại sẽ thiếu công nhân sau kỳ nghỉ tết. 

Lãnh đạo một công ty xây dựng ở TP.Hà Nội cho biết, không chỉ công nhân mà kỹ sư cũng xin nghỉ sớm một tuần để kịp “cách ly, ăn tết”. Nhiều người dồn ngày nghỉ phép trong năm để xin nghỉ trong dịp này nên công ty cũng khó xử lý.

Tương tự, nhiều gia đình ở TP.Hà Nội cũng đang than trời do người giúp việc về quê sớm. Chị Nguyễn Hải Yến (Q.Hà Đông) cho hay, đầu tuần này, người giúp việc cho nhà chị (quê tỉnh Thanh Hóa) đã xin về quê trong khi vợ chồng chị vẫn phải đi làm bình thường, thậm chí bận rộn hơn do công việc cuối năm nhiều. Dù đã cam kết trả lương tháng 13 kèm tiền thưởng nếu nghỉ đúng lịch nhưng người giúp việc vẫn kiên quyết đòi về quê sớm. 

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay tết Nguyên đán năm nay, người lao động được nghỉ chính thức năm ngày, cùng với bốn ngày nghỉ cuối tuần nên tổng số ngày nghỉ lên tới chín ngày. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có một số người lao động xin nghỉ sớm để về quê cách ly theo quy định của địa phương. “Trong bối cảnh dịch bệnh như vừa qua, tôi nghĩ, người lao động cần cân nhắc, bảo vệ công việc của mình. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp giải thể và người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, mọi người cần cố gắng ưu tiên cho việc lao động, sản xuất. Nếu người lao động ồ ạt xin nghỉ trước một tuần thì doanh nghiệp vô cùng khó khăn” - ông Lê Đình Quảng nói. 

Liên quan tới quy định cách ly y tế với người dân trở về từ Hà Nội của một số địa phương, ông Lê Đình Quảng cho rằng, các địa phương cần tuân thủ Nghị định 128 về thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Cách thức phòng, chống dịch “thái quá” của một số địa phương có thể phản tác dụng, khiến người dân tìm mọi cách để “lách”, “chống đối” quy định. Bên cạnh đó, điều này gây ảnh hưởng lớn tới việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.  

Ông đề nghị các cấp có thẩm quyền ra hướng dẫn để có phương án nhất quán về thích ứng an toàn với đại dịch và trong điều kiện Việt Nam đã tiêm phủ vắc-xin trên diện rộng. “Các địa phương không nên cực đoan, gây ảnh hưởng tới người lao động và cả doanh nghiệp”, ông nói. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI