... Đâu ai câu nệ tuổi xuân

28/01/2017 - 09:00

PNO - Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống thì cụ bà nghệ nhân Lê Thị Đào là “nguồn tài liệu quý về giá trị bài chòi cổ, là bảo vật nhân văn sống”.

Vào ngày 24 tháng 3 năm nay, nhằm ngày sáng trăng 16 tháng 2 Bính Thân, tôi được gặp lão nghệ nhân Lê Thị Đào, 91 tuổi, tại thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà sinh năm 1925 tại Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Bà biết đến bài chòi từ năm 10 tuổi.

Bà đã độc diễn được nhiều tích truyện về bài chòi dân gian. Hiện nay, bà đang SỐNG VÀ HÁT dưới lũy tre làng, nơi ấy hãy còn văng vẳng tiếng ru con “Con rắn không chưn nó bò qua năm rừng bảy rú. Con gà không vú nuôi được chín mười con”. Tiếng ru nhịp nhàng theo tiếng túc túc gọi con của mái mẹ giục đàn con chạy mau trốn nắng.

Nơi ấy còn có tiếng bò rống sống động cả không gian đồng quê, như chất cao lên những cây rơm sau mùa gặt, nhắc những kỷ niệm ấu thơ của các bạn bè tôi, các em đồng nghiệp của tôi được lớn lên từ nơi khúc ruột miền Trung.

Cảnh đó người đây như đang chờ sẵn. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống thì cụ bà nghệ nhân Lê Thị Đào là “nguồn tài liệu quý về giá trị bài chòi cổ, là bảo vật nhân văn sống”.

Tôi gọi bà bằng chị xưng em. Hai chị em ôm nhau, ngắm nghía nhau.

- Chắc em còn nhỏ tuổi?

- Dạ, nhỏ.

- Em còn trẻ mà!

- Dạ, già rồi!

Bà Đào cộng tuổi hai chị em, kề tai tôi nói nhỏ: Mới được một thế kỷ lẻ bảy mươi bảy năm.

Đạo diễn và quay phim Suối nguồn vẫn chảy (1) giơ tay làm hiệu sẵn sàng: Hay không bằng hên, tới bến, tới bến!

Con dâu bà Đào biết ý mẹ chồng, chạy vô bếp đem ra cho bà mấy hột muối biển để thấm giọng.

Trời quê, chợt phăng phắc im như tờ, vạn vật như lắng nghe giọng hô bài chòi trầm bổng quen thuộc nơi hương đồng gió nội. Nơi bà đang độc diễn hô bài chòi về tình đời, tình người, tình bạn hữu giữa Lưu Bình – Dương Lễ…

Lắng nghe bà hát, được nhìn bà, tôi chợt thấm thía về sự may mắn có hơi hướm của cái gọi là hạnh phúc riêng của một đời người.

Tôi nhìn ngắm bà đầy lòng kính trọng và biết bao yêu quý. Bỗng hóa ra hình ảnh của một cuộc gặp gỡ không ngờ giữa tôi và những nghệ nhân hô bài chòi trẻ tuổi: Lệ Nga, Thu Ly và Dương Quý.

... Dau ai cau ne tuoi xuan
 

Lệ Nga và tôi quen nhau ở Liên hoan hát dân ca toàn quốc tại Hà Nội năm 2005. Cách đây vài ngày tại nhà hát Hội An (Quảng Nam). Sau khi “liệng thẻ” phát thưởng cho các du khách, Lệ Nga chạy xuống ôm tôi, siết chặt tôi, làn hơi ấm nồng của các nghệ nhân trẻ, đẹp, giọng hát điêu luyện, diễn xuất sinh động, đã truyền cảm, tiếp thêm dinh dưỡng cho tôi.

Lại hóa ra, lão nghệ nhân vừa kết thúc những thước phim “trúng số độc đắc” cho cuộc tìm kiếm không phụ lòng người. Tôi ôm bà Đào, tôi ịn má tôi lên gò má bà, tôi sửa tóc cho bà, tôi choàng khăn cho bà. Tôi muốn trở thành Lệ Nga, Thu Ly truyền tuổi xuân mãi mãi cho nhau như những dòng suối nguồn ngày tháng tuôn trào, không bao giờ cạn kiệt. Lão nghệ nhân Lê Thị Đào có lẽ đang vừa ý đẹp lòng những gì đã xảy ra trong đời bà. Bà nắm tay tôi: “Có ai câu nệ tuổi xuân bây chừ”.

Rời khỏi cánh đồng, đường vào nhà bà, tôi cứ nghĩ ngợi câu nói của bà. Không ai câu nệ, chỉ có mình câu nệ mình.

Bùi ngùi càng đi càng xa con đường vào nhà bà, lũy tre như thành trì, tiếng gà gọi con. Tôi lâm râm mãi câu nói của bà trước khi chia tay. Tôi sẽ chép tặng bà mấy đoạn trong bài thơ “Nhẹ nhàng bay” của tôi, đồng tình TUỔI XUÂN KHÔNG CÂU NỆ với những ai biết yêu cuộc đời này đã mang nặng đẻ đau sinh ra mình.

… Những tờ lịch treo trên vách

Mỗi ngày rụng xuống một ngày

Ba mươi ngày rơi rớt một tháng

Mười hai tháng đi qua một năm.

Những tờ lịch dường như còn y nguyên

Dù tháng ngày thi nhau đáp xuống

Dù ba trăm sáu mươi lăm ngày trôi theo gió cuốn

Cũng trở thành trăm năm, ngàn năm.

Có một người ngồi đếm tuổi xuân

Chợt tìm thấy một ngày sinh nhật

Sao chẳng có ngày nào bay mất

Chẳng có năm tháng nào rụng rơi. 

(*) Phim tài liệu Suối nguồn vẫn chảy do Hãng phim Truyền hình TP.HCM thực hiện - tập 7 năm 2016.

Nhà thơ Lê Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI