Dạo này mẹ hiền rồi ba à

27/04/2020 - 09:53

PNO - Sau những lần mắng chửi khiến con khóc lóc chui vào phòng “tuyệt thực”, chị thấy mình có phần quá đáng, nhưng khi có chuyện xảy ra thì y như rằng lại sa sả mắng con.

Con bé tấm tức khóc rồi chạy về phòng riêng trước những lời mắng mỏ của mẹ. Kể từ ngày phải nghỉ ở nhà vì dịch bệnh COVID-19, hai mẹ con thường xuyên xảy ra tình trạng người la lối còn người kia giận bỏ cơm.

Nguyên nhân thì nhiều vô kể: học bài chậm hiểu, giảng đi giảng lại vẫn không làm xong, không giúp mẹ việc nhà, chỉ chúi đầu vào ti vi, tóc tai không chải gọn gàng… Có cảm giác như con bé làm việc gì chị cũng không hài lòng.

Sau những lần mắng chửi khiến con khóc lóc chui vào phòng “tuyệt thực”, chị cũng tự cảm thấy mình có phần quá đáng, đã dặn lòng phải nhẹ nhàng trong cách dạy con, nhưng khi có chuyện xảy ra thì y như rằng chị lại mắng con ra rả. Chị cảm thấy bất lực trong cách dạy con.

Nhiều đêm chị khóc ấm ức một mình. Những lúc như vậy lại giận chồng vô cùng. Chồng chị chẳng bao giờ đá động tới việc chăm con, dạy con. Hễ mỗi lần thấy hai mẹ con “gây” nhau, anh lại càu nhàu:
- Mẹ là cô giáo mà không dạy được con sao?

Đang lúc tức giận, câu nói của anh như đổ dầu vào lửa. Thế là hai vợ chồng lại xung đột. Chị bảo anh sao không giỏi dạy con đi, suốt ngày giao hết cho vợ. Anh thì bảo “con hư tại mẹ”; phần nữa, mẹ là giáo viên mà không dạy nổi con thì sao dạy được học trò? Anh đâu biết dạy con khó hơn học trò. Dân gian có câu “bụt nhà không thiêng” đó sao.

Con bé đã bắt đầu lớn, bắt đầu cãi lại mẹ. Có lần chị cáu gắt sao con không quét dọn nhà cửa phụ mẹ, nó cãi:

- Mẹ nhờ con thì phải nói nhẹ nhàng chứ.

- Đó là trách nhiệm của con, là công việc con phải làm trong một ngày chứ không phải là việc mẹ nhờ.
Con bé vừa làm vừa tỏ thái độ chống đối, xếp đồ đạc mạnh tay cố tình gây tiếng động ầm ầm. Chị giận lắm nhưng cố kìm nén.

Một lần bạn hàng xóm đến rủ đi chơi, con bé bảo bạn:

- Mẹ mình dữ lắm, không làm bài tập thì bị chửi đó. Từ khi thất nghiệp vì Covid, mẹ mình khó chịu lắm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đang làm đồ ăn dưới bếp, nghe con nói vậy chị chợt giật mình. Nó nói cũng phải, từ hồi phải nghỉ dạy vì dịch, chị hay cáu gắt hơn thì phải. Suốt ngày cứ ru rú ở nhà, dọn dẹp, chợ búa nấu ăn, dạy con ôn tập bài cũ và học online, chị thấy bứt rứt khó chịu, cảm giác đang bị “nhốt” trong lồng.

Chị vốn dạy tư thục, nghỉ dạy đồng nghĩa không có lương, chồng làm công chức lương cũng chẳng bao nhiêu, tiết kiệm lắm mới đủ trang trải. Cứ phải tính toán làm sao chi tiêu cho đủ, ngày mai ăn món gì, bao nhiêu tiền, nhiêu đó thôi cũng đủ căng thẳng đầu óc, hỏi sao không cáu gắt.

Sau lần nghe con “tâm sự” với bạn về mẹ, chị thấy mình cần phải thay đổi trong cách dạy con và trong cả cách đối xử với chồng con. Bắt đầu là cách nói chuyện, cố gắng thêm từ “làm giúp mẹ” sau mỗi câu nói. Quả nhiên có tác dụng, con bé vui vẻ làm việc nhà mà không hậm hực. Tiếp theo là giảng bài cho con, phải nhẹ nhàng giảng đi giảng lại. Việc này thì hơi khó, giảng tới lần thứ ba con vẫn chưa hiểu, chị lại nổi cộc mắng con, rồi lại tự nhắc mình phải kiềm chế. 

Tối qua, khi ăn cơm xong, cả nhà ngồi ngoài hiên ngắm trăng hóng mát, khi nghe chị than nóng, con bé chạy ù đến tủ lạnh rót nước đem ra mời mẹ uống. Chị ngạc nhiên:

- Chà, bữa nay biết rót nước mời mẹ nữa. Mẹ cảm ơn nha!

Chồng chị chặc lưỡi:

- Sao nay hai mẹ con thân thiết vậy?

Nó hớn hở quay qua bảo ba:

- Dạo này mẹ hiền trở lại rồi ba à.

Chị giả bộ uống nước cố giấu nụ cười mỉm. Ừ, dù khó nhưng chị nhất định sẽ cố gắng “hiền” trong khi dạy con. 

Ngân Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI