Đảng bộ, chính quyền còn nợ dân nhiều dự án

31/07/2020 - 09:54

PNO - Những dự án lớn chưa hoàn thành vẫn là “món nợ” của chính quyền với dân. Vấn đề này cần được tổng kết vào văn kiện trình đại hội để từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm, định hướng đúng cho tương lai.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (dự thảo lần 2) đã đánh giá công tác chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại; việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác bảo toàn cảnh quan, kiến trúc đô thị được quan tâm đẩy mạnh; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị (cung cấp nước sạch, giảm thất thoát nước, tăng mảng xanh công viên) đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, cần nhớ lại rằng, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, diễn ra vào tháng 10/2015, đã nêu ra lịch trình cho việc di dời, giải tỏa những căn nhà “ổ chuột” nằm trên và ven kênh rạch theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2015-2020, giai đoạn sau là 2020-2025 sẽ hoàn thành việc di dời, giải tỏa.

Nhiều nhà ven kênh rạch ở quận 8 chưa di dời do chậm xác định ranh hành lang bị ảnh hưởng. Ảnh: H.N
Nhiều nhà ven kênh rạch ở quận 8 phải di dời để thực hiện dự án - Ảnh: HN

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, sẽ tập trung giải tỏa, di dời 9.805 căn nhà ven rạch Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Nhờ các dự án này, bộ mặt đô thị của thành phố đã cải thiện rõ rệt. 

Thế nhưng, kiểm lại kết quả, chúng ta chỉ đạt 36,33% kế hoạch. Đến nay, vẫn còn cả ngàn ngôi nhà lụp xụp ở hai bờ kênh Đôi ngang cầu Chánh Hưng, kênh Tẻ. Tương tự, dọc bờ kênh Tham Lương, vẫn còn chỗ lồi, chỗ lõm…  

Đầu năm 2018, để kêu gọi đầu tư cho chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, UBND TPHCM đã tổ chức một hội nghị hoành tráng, công bố rằng tới năm 2025, TPHCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng 19.542 căn nhà trên và ven sông, rạch, tạo bộ mặt mới cho thành phố.

Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM đã phát hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư như: dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven bờ nam kênh Đôi (quận 8); dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ven và trên rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh); dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh); dự án chỉnh trang rạch Cầu Dừa (quận 4); dự án cải tạo cảnh quan hồ Song Tân, chỉnh trang rạch Bần Đôn (quận 7); dự án chỉnh trang kênh Tẻ (quận 7); mười quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn (huyện Củ Chi)… 

Theo dự kiến, nguồn vốn cần huy động để thực hiện các dự án khoảng 23.240 tỷ đồng, trong đó tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hai năm trôi qua, hầu hết các dự án trên vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, một số vị lãnh đạo dự hội nghị trên, phụ trách việc triển khai các dự án nói trên hiện đã bị truy trách nhiệm hình sự liên quan những dự án đất đai, xây dựng. 

Và do vậy, những dự án lớn nói trên vẫn là “món nợ” của chính quyền với dân. Vấn đề này cần được tổng kết vào văn kiện trình đại hội để từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm, định hướng đúng cho tương lai.

 Kỹ sư Trần Thái Bình - nguyên cán bộ Nhà máy Z715, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI