Giảng viên, sinh viên Đà Nẵng gồng mình nơi tâm dịch

30/07/2020 - 22:47

PNO - Lệnh giãn cách toàn thành phố để phòng chống COVID-19 đã bước sang ngày thứ hai. Các biện pháp phong tỏa được tăng đến mức cao nhất. Giữa tâm dịch, những sinh viên, giảng viên kẹt lại thêm khó khăn trăm bề.

Sinh viên xoay xở trong tâm dịch

Lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng được Đà Nẵng triển khai từ 0g ngày 28/7. Tâm dịch Đà Nẵng căng thẳng theo số người nhiễm COVID-19 được công bố. Chiều 30/7, thành phố siết thêm việc giãn cách, cấm các nhà hàng, quán ăn buôn bán, kể cả bán mang về.

Việc này đồng nghĩa với việc khoảng 1,3 triệu dân Đà Nẵng tự ăn uống ở nhà. Trong đó, khoảng 1.100 sinh viên thuộc các trường đại học (ĐH) Đà Nẵng đang ở lại ký túc xá (KTX) gặp không ít khó khăn.

Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn hạn chế sinh viên, cán bộ ra khỏi trường
Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn hạn chế sinh viên, cán bộ ra khỏi trường

Chị Đinh Mỹ Hạnh - Phó trưởng ban phụ trách Ban công tác sinh viên ĐH Đà Nẵng - cho biết: “Theo rà soát, tổng số sinh viên ở lại các KTX dự kiến khoảng 1.100 em. Phần lớn các em ở lại do đợt dịch diễn biến quá nhanh và yêu cầu của thành phố là hạn chế trở về nhà để phòng dịch lây lan”.

Với việc hạn chế đi lại, không bán thức ăn mang về, sinh hoạt, ăn uống của các sinh viên thực sự khó khăn hơn.

Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn có khoảng 360 sinh viên đang ở lại KTX. Chị Phạm Thị Cuối (quê A Lưới, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Bọn em có chuẩn bị thức ăn trong vài ngày đầu, chủ yếu là mì tôm, sữa... nhưng không biết có đủ hay không vì đọc báo thấy các hàng quán đều phải đóng cửa”.

Còn chị Phan Thị Thùy Trang (quê huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cho hay: “Em báo với gia đình là em đã được nhà trường bảo đảm an toàn trong trường nên ba mẹ không phải lo”.

Bữa cơm tối của các em sinh viên ở KTX Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn
Bữa cơm tối của các sinh viên ở KTX Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn

Rất nhiều sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn quê ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định… có hoàn cảnh khó khăn. Dịch căng thẳng phải ở lại, các em gom góp tiền cùng đóng khẩu phần ăn tại căng-tin hoặc đặt mua thức ăn từ các quán còn bán ở phía Điện Ngọc (Quảng Nam).

Em Nguyễn Huy Hoàng - sinh viên Khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn nói: “Trước mắt tụi em sẽ cố gắng động viên người thân, cũng như dè sẻn ăn uống để cùng nhau vượt qua đợt dịch này. Việc ăn uống tuy gặp khó khăn hơn, nhưng nhà trường có thông báo sẽ hỗ trợ nên bọn em an tâm phần nào”.

Các em sinh viên đặt mua một vài món ăn nhẹ
Các sinh viên đặt mua một số vật dụng cho những ngày tới

Chị Đinh Mỹ Hạnh - Phó trưởng ban phụ trách Ban công tác sinh viên ĐH Đà Nẵng - thông tin: "Hiện, đa số KTX không bố trí nấu ăn trong phòng ở, tuy nhiên các trường sẽ linh động. Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn có hệ thống căng-tin riêng nên giờ sẽ sử dụng để nấu và phục vụ nội bộ cho sinh viên trong KTX; các bạn sẽ đăng ký số lượng đến giờ sẽ đến nhận và mang về ăn, vẫn đảm bảo giãn cách".

“Nói chung bây giờ đa số các trường theo phương án một là bố trí bếp ăn để các bạn nấu, hai là hỗ trợ các nguồn thực phẩm”, chị Hạnh thông tin thêm.

KTX Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật siết chặt sinh viên ra vào những ngày đầu xuất hiện dịch
KTX Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật siết chặt sinh viên ra vào những ngày đầu xuất hiện dịch

Cũng theo chị Hạnh, hiện nay có ba kênh để hỗ trợ sinh viên ở lại KTX. Thứ nhất là kênh Đoàn thanh niên, Ban công tác sinh viên của ĐH Đà Nẵng và ở từng trường đang kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các Mạnh Thường Quân, cựu sinh viên và giảng viên.

Thứ hai, từ đợt dịch thứ nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố thì công đoàn ĐH Đà Nẵng đã kêu gọi cán bộ, viên chức đóng góp. Ngoài việc trích nộp Ủy ban MTTQ TP để ủng hộ thì có trích lại cho các công đoàn cơ sở làm nguồn phòng dịch. Hiện các trường đang chủ động sử dụng nguồn đấy, việc sử dụng theo từng đơn vị.

Thứ ba là qua kênh của Thành đoàn TP. Đà Nẵng, hiện bắt đầu tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ thành phố để hỗ trợ sinh viên. 

Vợ chồng giảng viên xa nhau

Cô Nguyễn Lê Ngọc Trâm - giảng viên Khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn - nói vui: “Chồng em giờ Nhà nước nuôi, con thì ông ngoại nuôi”.

Tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc hạn chế ra vào trường được thiết lập. Cô Trâm phải gửi con về quê ngoại ở Quảng Trị. Chồng cô hiện đang công tác trong quân đội, cũng ở trong doanh trại.

Cũng như cô Trâm, rất nhiều cán bộ giảng dạy và công tác tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn đều ở trong KTX của trường.

Anh Qúy tranh thủ đi làm về mua ít đồ ăn cho con rồi đi kiếm chỗ ngủ
Anh Quý tranh thủ đi làm về mua ít đồ ăn cho con rồi đi kiếm chỗ ngủ

Khi có lệnh giãn cách, chị Nguyễn Thị Xuân Hương - cán bộ văn thư của trường - cùng ba người con ở trong trường; hằng ngày chồng chị - anh Quý, làm công nhân xây dựng ở bên phường Hòa Xuân - đi làm rồi đến buổi về lấy thức ăn vợ đưa qua cổng.

“Giờ ở ngoài không có người thân quen nên mình phải về lán công trình ngủ tạm. Mà chạy đi chạy lại cơm nước, quà bánh cho con nên anh em trong công trình cũng ngại, nói phải giãn cách. Tối nay ra đó ngủ tạm rồi mai tính tiếp kiếm chỗ ngủ”, anh Quý nói vội.

Cạnh đó, chị Hương, vợ của anh Đức Anh - cán bộ Phòng công tác sinh viên của trường - ngồi thở dài vì cảnh người ở trong, kẻ ở ngoài cổng trường. Chị Hương là nhân viên ngân hàng ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Vợ chồng chị cùng sống ở KTX trong trường. 

Lo lắng cho chồng chăm con trong trường, chị Hương thở dài quay xe đi tìm chổ nghỉ ngơi để mai tiếp tục đi làm
Lo lắng cho chồng chăm con trong trường, chị Hương thở dài quay xe đi tìm chỗ nghỉ ngơi để mai tiếp tục đi làm

“Em có hai đứa con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Đà Nẵng phong tỏa và giãn cách; Quảng Nam thì chưa nên em vẫn phải đi làm. Chỉ thương mấy đứa nhỏ nó cứ nhớ mẹ”, chị thở dài rồi ngồi ngơ ngẩn suy nghĩ tối nay không biết ngủ ở đâu, sợ khách sạn, nhà nghỉ cũng không còn mở cửa.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI