Cuộc hoàn lương của những thành viên yakuza ở Nhật

18/10/2021 - 18:03

PNO - Từng tham gia vào các băng nhóm tội phạm yakuza khét tiếng một thời ở Nhật, với nhiều hoạt động phi pháp liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền và cờ bạc, nay nhiều thành viên của các nhóm này đang cải ác hoàn lương, nhưng không phải ai cũng man mắn có cơ hội làm lại một cuộc đời mới.

Takashi Nakamoto hiện là một đầu bếp mì udon và sở hữu một cửa tiệm nhỏ chỉ có sức chứa 13 chỗ nhưng khá nổi tiếng ở Kitakyushu, một thành phố thuộc tỉnh Fukuoka của nước Nhật.

Ông Takashi Nakamoto
Ông Takashi Nakamoto

Đặc điểm nhận dạng chung của những người theo các nhóm yakuza là có hình xăm toàn thân, và ngón tay út thường bị cắt cụt - một hình phạt dành cho các thành viên đã có các hành vi trái với các quy định của nhóm. Nakamoto cũng không là ngoại lệ.

Nhìn Nakamoto với những động tác khéo léo và chăm chút khi nấu từng tô mì cho thực khách, ít ai hình dung được rằng, cách đây hơn 30 năm, ông từng là một thành viên của một các băng nhóm yakuza (còn gọi là Kudo-kai) - các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia có thế lực một thời, với phân cấp như một gia đình, ở Nhật. Qua nhiều năm bị chính phủ Nhật truy quét, nhiều thành viên, trong đó có Nakamoto, đã cải ác hoàn lương để làm lại một cuộc sống mới.

Trong nhiều năm, các nhóm yakuza hoạt động khá công khai. Cảnh sát đã “nhẹ tay” với yakuza vì hiểu rằng các nhóm này có thể “quản lý” các nhóm tội phạm nhỏ trên địa bàn của mình và thường không đụng chạm đến những công dân bình thường.

Tuy nhiên, để hạn chế thế lực của các nhóm yakuza, chính phủ Nhật đã ban hành các sắc lệnh, cấm các doanh nghiệp hoặc cá nhân liên kết với thành viên hoặc hoạt động của các nhóm này. Vì vậy, các thành viên yakuza không thể mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, mua bảo hiểm hoặc mua điện thoại di động.

Nhưng giờ đây, chính phủ Nhật đang gây nhiều sức ép hơn lên yakuza khi thế lực của yakuza bắt đầu suy yếu. Đây là kết quả từ những nỗ lực của chính phủ trong hơn một thập niên qua, nhằm tăng cường trấn áp tội phạm có tổ chức và các băng nhóm yakuza có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp, trong đó có buôn bán ma túy, rửa tiền và cờ bạc.

Năm 2011, Nhật có khoảng 70.300 thành viên yakuza, nhưng con số này đã giảm xuống còn 25.900 vào năm 2020, theo Trung tâm quốc gia về xóa bỏ các tổ chức tội phạm của Nhật. Sự suy yếu thế lực của yakuza đã giúp cho những thành viên lâu năm như Nakamoto có thể “đào tẩu” mà không sợ bị trả thù vì đã vi phạm quy tắc về lòng trung thành.

Vào ngày 24/8, một tòa án Nhật đã tuyên bố một bản án tử hình, được cho là lần đầu tiên dành cho các băng nhóm yakuza, đối với thủ lĩnh Satoru Nomura - người bị buộc tội tham gia vào các vụ tấn công 4 thường dân, trong đó có 1 người đã bị sát hại.

“Tôi nghĩ rằng bản án tử hình dành cho ông trùm yakuza sẽ có một tác động mạnh đối với giới này, vì nó gửi đi một thông điệp rằng bất kể thành viên yakuza nào cũng có thể chịu mức hình phạt tương tự”, Garyo Okita - một cựu thành viên yakuza, hiện đang viết sách dạng bán tự truyện và quản lý các dự án phim về tội phạm của Nhật - chia sẻ.

Takashi Nakamoto
Takashi Nakamoto chăm chút từng tô mì cho thực khách

Năm 2015, khi đang thụ án tù những tháng cuối cùng, Nakamoto đã suy nghĩ nhiều về yakuza và quyết tâm sẽ rời bỏ tổ chức này sau khi ra tù để theo đuổi một cuộc sống mới. “Tôi đã học được khá nhiều điều về yakuza, đã từng làm mọi thứ và sẵn sàng chết vì tổ chức này. Nhưng nay, tôi sẽ đem tinh thần kiên cường đó để vận dụng vào một cuộc sống và công việc bình thường trong xã hội’, Nakamoto chia sẻ.

Motohisa Nakamizo - người đã rời một nhóm yakuza vào năm 2011 khi ông trùm của nhóm này “gác kiếm” - đã được một công ty bất động sản do cha mẹ mình sở hữu nhận vào làm. Đây cũng là công việc hợp pháp đầu tiên của Nakamizo sau khoảng 30 năm xử lý việc buôn bán ma túy của yakuza.

Nhưng không phải cựu thành viên nào của yakuza cũng có thể dễ dàng “quay đầu” và gặp may như Nakamoto và Nakamizo. Đa số họ phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và nhiều rào cản pháp lý. Tuy có một số chương trình của chính phủ Nhật nhằm hỗ trợ tài chính cho các thành viên yakuza thay đổi cuộc sống, nhưng nhìn chung, phần lớn trong số này vẫn không tìm được các cơ hội mới.

Nhiều địa phương ở Nhật hiện vẫn cấm những người từng tham gia các nhóm yakuza không được thực hiện một số hoạt động như mở tài khoản ngân hàng, hoặc ký hợp đồng thuê tài sản trong ít nhất 5 năm sau khi rời nhóm.

Theo Noboru Hirosue, một chuyên gia xã hội học tội phạm nổi tiếng ở Nhật, nếu phân tích các số liệu của Bộ Tư pháp Nhật, trong số các các cựu thành viên yakuza đã trình báo với cảnh sát về việc rời các nhóm này từ năm 2010 đến năm 2018, chỉ có 3% tìm được việc làm. Một số người do không thể tìm được việc làm đã quay lại yakuza, hoặc gia nhập các băng nhóm tội phạm mới, ông Hirosue cho biết.

“Ra khỏi nhà tù hoặc một tổ chức yakuza, bạn phải nghĩ rằng trong 5 năm đầu tiên bạn không giống với những người khác. Mọi người thường nói về việc bắt đầu từ con số 0, nhưng chúng tôi phải bắt đầu từ con số âm và cố gắng làm việc để về con số 0 trước. Tôi mong toàn xã hội sẽ không có những định kiến ​​với những người như chúng tôi và cho chúng tôi một cơ hội. Nếu không, chúng tôi sẽ có thể lại đi sai đường”, Nakamizo, 56 tuổi, chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI